Liên quan đến triển khai ứng dụng thu giá điện tử không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác, trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Bộ Giao thông vận tải, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi cho biết VEC đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để khẩn trương lắp đặt ETC trên các tuyến cao tốc theo đúng lộ trình chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, nhằm bảo đảm quyền lợi công bằng cho khách hàng.
Hiện nay, tình hình triển khai dịch vụ thu giá không dừng trên các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác đang được thực hiện như thế nào?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hiện đang quản lý, khai thác 4 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 415km. Cụ thể, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, cao tốc Nội Bài – Lào Cai 245km, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đoạn tuyến JICA) 65km và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây dài 55km.
Trên 4 tuyến cao tốc trên, VEC đã bố trí 28 trạm với 205 làn thu giá (làn vào – làn ra). Đối với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, VEC đã triển khai thu giá điện tử tự động không dừng (ETC) sử dụng thiết bị OBU (công nghệ Nhật Bản) từ năm 2017. Việc triển khai ETC nhận được sự đồng tình, ủng hộ của khách hàng, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Nam có số lượng lớn phương tiện thường xuyên qua lại trên tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây. VEC cũng đã lắp đặt 4 làn ETC trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ngay từ khi đưa vào khai thác, tuy nhiên tại thời điểm năm 2012 mới chỉ có duy nhất tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được lắp đặt hệ thống ETC nên sự tiện ích và thông hành của hệ thống chưa cao và chưa phát huy được hiệu quả.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai ETC trên các tuyến đường bộ, trong đó có đường cao tốc. VEC ủng hộ chủ trương đúng đắn và phù hợp xu thế này của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải và đã rất tích cực phối hợp triển khai. Tuy nhiên, do VEC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các dự án VEC đầu tư đều có sử dụng vốn nhà nước, vì thế việc triển khai ETC gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi việc đầu tư hạng mục ETC – dù chỉ là hạng mục nhỏ trong toàn bộ dự án xây dựng đường cao tốc nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình đầu tư như đầu tư một dự án mới, tiêu tốn khá nhiều công sức và thời gian. Thời gian qua, VEC đã tích cực chủ động làm việc với các Bộ, ban, ngành để có chủ trương và cơ chế đầu tư phù hợp.
VEC tập trung hoàn thành ETC trên các tuyến cao tốc
Việc ứng dụng công nghệ đối với hệ thống ETC trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là khác nhau. Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo phải sử dụng công nghệ ETC đồng bộ trên các tuyến cao tốc VEC quản lý. Vậy, hướng đầu tư công nghệ của VEC cho hệ thống ETC sẽ như thế nào?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Hiện tại, đối với công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc, VEC đang sử dụng công nghệ RFID và DSIC theo chấp thuận của Chính phủ. Trên thực tế công nghệ RFID được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên, do hai công nghệ thu giá này chưa thể tích hợp với nhau nên trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây VEC đã lắp đặt hệ thống ETC sử dụng thiết bị OBU công nghệ DSIC đấu nối song song với hệ thống thu giá sử dụng công nghệ RFID để thỏa mãn yêu cầu tích hợp với hệ thống thu giá trên toàn quốc. Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) đã giới thiệu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) nghiên cứu tích hợp và đấu nối song song 2 hệ thống. Sau 6 tháng nghiên cứu, VNPT đã chính thức báo cáo Bộ GTVT không thể tích hợp hai hệ thống sử dụng công nghệ RFID và DSIC, mà phải đấu nối song song. Thời gian tới, VNPT cũng sẽ là đơn vị thử nghiệm đấu nối song song hai hệ thống sử dụng công nghệ RFID và DSIC trên tuyến cao tốc TP. HỒ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhằm đáp ứng yêu cầu liên thông thu giá điện tử tự động không dừng trên toàn quốc.
VEC đã đưa các tuyến cao tốc vào khai thác được một thời gian, nhưng tiến độ triển khai ETC vẫn chậm. VEC gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện ETC?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Có thể khẳng định, VEC hầu như không gặp khó khăn, vướng mắc nào trong triển khai ETC. Chính Văn bản số 584/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ vướng mắc khó khăn nhất cho đầu tư ETC tại các dự án đường cao tốc của VEC, chủ trương đầu tư đã có, vấn đề còn lại là trách nhiệm triển khai của VEC và các đơn vị liên quan. Nhưng như trên đã đề cập, nguồn vốn đầu tư cho hạng mục thu giá tại các dự án đường cao tốc (thực hiện thu phí kín) là tương đối lớn do số lượng làn vào và làn ra tại các trạm thu giá trên tuyến cao tốc lớn hơn nhiều hơn so với hình thức thu phí hở trên các tuyến quốc lộ. Ví dụ, cùng một quãng đường dài 50km như nhau, nhưng trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình VEC phải bố trí tới 3 trạm thu giá tại các nút giao (Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ), giai đoạn đầu lắp 14/45 làn ETC để đảm bảo kết nối với tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ; còn trên tuyến Quốc lộ 1 chỉ cần bố trí 01 trạm với 4 làn (2 làn vào – 2 làn ra) ở chính tuyến và người tham gia giao thông phải trả cùng một số tiền cho những chặng đường di chuyển khác nhau. Nếu chỉ tính riêng kinh phí đầu tư hiện tại cho thiết bị ETC khoảng 2,5 tỷ/làn, kinh phí đầu tư ETC trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lên đến 35 tỷ. Với nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng cho đầu tư hạng mục ETC là tương đương với việc hình thành đầu tư một dự án mới và phải xin chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền. VEC đã khẩn trương, tích cực xúc tiến xin chủ trương đầu tư, đến ngày 08/5/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 584/TTg-CN cho phép VEC triển khai đầu tư ETC tại các dự án đường cao tốc VEC quản lý.
Nói tóm lại, việc đầu tư mới bất cứ hạng mục nào trên đường cao tốc có sử dụng nguồn vốn nhà nước, VEC đều phải xin chủ trương các cấp có thẩm quyền, sau khi được chấp thuận VEC mới được triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Việc đầu tư hạng mục ETC tại các dự án BOT sẽ thuận lợi hơn do họ sử dụng nguồn vốn của các nhà đầu tư, và họ có toàn quyền quyết định đầu tư hay không đầu tư hạng mục nào…
Hiện có bao nhiêu nhà cung cấp thiết bị và nhà cung cấp dịch vụ đang tiếp cận VEC?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Từ khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác cho đến nay, VEC đã làm việc với 09 nhà cung cấp thiết bị, nhưng mới chỉ có 01 nhà cung cấp dịch vụ duy nhất là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC; đến tháng 10 tới đây sẽ có thêm một đơn vị nữa là Vietinnet.
Trước đây, Viettel là đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ ETC trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Vì lý do gì đến thời điểm hiện tại đơn vị này vẫn chưa thể triển khai?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Cũng giống như Tổng công ty VNPT, Viettel chưa chính thức vận hành mà mới chỉ lắp đặt thử nghiệm hệ thống ETC trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhằm xác định thiết bị và công nghệ của Viettel có tích hợp được với hệ thống thu giá sử dụng công nghệ RFID hay không. Trong quá trình phối hợp thực hiện việc tích hợp này, Viettel đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả tích hợp. Tuy nhiên, để triển khai thực tế, về lâu dài đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố phí dịch vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ. Sau khi kết thúc thử nghiệm, Viettel đã cho tháo các thiết bị lắp đặt thử nghiệm trên tuyến. Còn lý do vì sao Viettel không tiếp tục triển khai ETC, chắc phải hỏi Viettel mới rõ (Cười).
Nếu so sánh dịch vụ do Viettel cung cấp thử nghiệm với dịch vụ do các đơn vị khác cung cấp thì phí dịch vụ cũng như cách thức vận hành có ưu/nhược điểm gì?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Có nhiều quan điểm về mức phí dịch vụ ETC. Hiện nay, theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, không yêu cầu khách hàng phải nạp tiền vào thẻ Etag khi tham gia giao thông, vậy thì cách thức tính phí chắc sẽ được tính toán theo phương thức khác. Với những thẻ Etag có số tiền tồn dư trong thẻ, đều có yêu cầu các đơn vị phải tính lãi suất qua đêm đối với số tiền tồn trong thẻ cho tất cả các khách hàng. Mỗi đơn vị có một cách tính khác nhau. Như trên các tuyến BOT, các đơn vị cung ứng dịch vụ ETC đề xuất khoảng 8% doanh thu của mỗi làn ETC, còn đối với đường cao tốc mức phí dịch vụ này dự kiến đề xuất khoảng 3%.
Qua thực tế triển khai ETC sử dụng thiết bị OBU công nghệ DSIC trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Ông đánh giá thế nào về tính khả thi khi triển khai đồng loạt ETC trên các tuyến cao tốc khác?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Tại thời điểm VEC triển khai ETC sử dụng OBU trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây chưa có chủ trương chung của Chính phủ về việc triển khai ETC nên VEC phải “tự thân vận động”, từ tuyên truyền, tổ chức hội nghị khách hàng, chào hàng, giới thiệu sản phẩm… để “lôi kéo” khách hàng sử dụng dịch vụ ETC. Nhưng hiện nay đã có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT bắt buộc VEC cũng như các nhà đầu tư khác phải triển khai ETC trên các tuyến đường bộ nên chắc chắn thời gian tới việc triển khai sẽ thuận tiện hơn và sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân hơn, bởi bên cạnh tạo sự tiện dụng cho người tham gia giao thông, ETC cũng bảo đảm tính minh bạch, công khai trong công tác thu phí.
Nếu được chấp thuận về chủ trương đầu tư, VEC sẽ lấy từ nguồn vốn nào để triển khai ETC?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Hiện tại, đối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, sau quyết toán Dự án còn dư khoảng 450 tỷ VNĐ, VEC sẽ sử dụng một phần trong nguồn vốn dư này để đầu tư vào hạng mục ETC. Với các dự án khác chưa hình thành được nguồn vốn, trước mắt VEC đề xuất lấy từ nguồn thu giá (được sử dụng cho công tác O&M hàng năm còn dư theo phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC là Chủ đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3789 ngày 23/11/2016).
Hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc hiện nay được lắp đặt với các công nghệ khác nhau, nếu các công nghệ này không tích hợp được với nhau sẽ gây bất tiện như thế nào cho chủ phương tiện khi lưu thông qua các tuyến cao tốc khác nhau?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Ngay từ khi dỡ bỏ Trạm thu giá Đại Xuyên – một nút thắt trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tháng 12/2016) bằng giải pháp thu giá liên thông giữa hai tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC cũng đã tính đến “bài toán” này. Tất cả sự tích hợp và thanh toán qua lại giữa VEC và BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đều được thực hiện từ động bằng phần mềm công nghệ chứ không phải bằng hình thức thủ công, do vậy kết quả phân chia doanh thu giữa VEC và BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ rất chính xác. Hy vọng với công nghệ ngày càng hiện đại, việc phân chia doanh thu chắc không có gì đáng quan ngại; việc tích hợp hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc đã, đang và sẽ đầu tư phải tương thích với hệ thống ETC hiện đang khai thác, tương tự như việc giao dịch tại các ngân hàng cũng được kết nối liên thông và tự động phân chia doanh thu đảm bảo tính chính xác.
Thiết bị (phần cứng) ETC sẽ được tổ chức đấu thầu, nhưng còn phần mềm sử dụng cho hệ thống ETC đã được VEC và BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thống nhất sử dụng dịch vụ của đơn vị nào?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: VEC và BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã làm việc với VETC. VETC đã kết hợp với đơn vị cung cấp thiết bị là Công ty cổ phần Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (CadPro JSC) và cũng đã lắp đặt thử nghiệm ETC tại các làn của trạm thu phí BOT, đồng thời tích hợp với một số làn tại Trạm thu giá Liêm Tuyền của VEC. Qua thực tế triển khai thử nghiệm cho thấy sự tương thích của thiết bị và khả năng tích hợp liên thông hệ thống ETC của hai tuyến cao tốc. Trước đây, việc cung cấp dịch vụ ETC chỉ có VETC “một mình một chợ”, nhưng từ nay nếu có đơn vị khác bảo đảm tính đấu thầu cạnh tranh thì việc sử dụng dịch vụ của đơn vị còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu - đơn vị nào có dịch vụ tốt chắc chắn sẽ được lựa chọn cung ứng dịch vụ ETC trên các tuyến cao tốc VEC quản lý.
Kỳ hạn Chính phủ chỉ đạo là cuối năm 2018 toàn bộ các phương tiện phải gắn thẻ Etag để sử dụng dịch vụ ETC trên tất cả các tuyến đường bộ, nhưng tới thời điểm hiện tại VEC vẫn đang “loay hoay” trong việc chọn đơn vị cung cấp hạ tầng. Vậy, với mốc 2018, VEC có đáp ứng được không và VEC có phương án gì để đảm bảo hoàn thành triển khai ETC đúng thời hạn Chính phủ chỉ đạo?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai ETC trên các tuyến đường cao tốc VEC quản lý. Từ tháng 3/2016, khi VEC đề xuất với Chính phủ triển khai ETC cho đến khi có văn bản chính thức chấp thuận (Văn bản số 584/TTg-CN) kéo dài khoảng 100 ngày. Trong khoảng thời gian đó, VEC chuẩn bị các thủ tục liên quan, từ đấu thầu lắp đặt thiết bị, đấu thầu cung ứng dịch vụ (nếu có các đơn vị dịch vụ cạnh tranh). Nếu chưa có đơn vị dịch vụ cạnh tranh, sẽ mời đơn vị cung cấp dịch vụ hiện tại vào triển khai để đảm bảo đáp ứng được tiến độ Chính phủ và Bộ GTVT đề ra.
VEC mong muốn đưa hệ thống ETC vào triển khai càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu lực lượng nhân công thu giá, cung ứng dịch vụ có tính văn minh cao cho khách hàng, đồng thời bảo đảm tính công khai minh bạch ngày càng rõ ràng.
Xin cảm ơn Ông!
Ngày 08/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 584/TTg-CN chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư lắp đặt, sửa chữa, cải tạo, vận hành hệ thống thiết bị, phần mềm tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đối với các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, đảm bảo minh bạch, kết nối liên thông, đồng bộ với hệ thống thu giá tự động trên toàn quốc.
Trước đó, ngày 27/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đối với tất cả các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, sẽ thực hiện việc kết nối liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống thu giá điện tử tự động không dừng trên toàn quốc và dừng thu giá đối với những dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi.
P.V