Cuối năm 2020 khởi công sân bay Long Thành

Thứ tư, 23/05/2018 15:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, các đơn vị đang nỗ lực tối đa để đảm bảo cuối năm 2020 khởi công CHK quốc tế Long Thành.

 

Phối cảnh dự án CHK quốc tế Long Thành

Tư vấn hàng đầu thế giới trúng thầu

ACV vừa công bố tư vấn trúng thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Ông có thể bật mí về tư vấn này?

Từ tháng 11/2017, ACV đã khẩn trương tiến hành các thủ tục đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà thầu tư vấn FS giai đoạn 1 dự án. Sau 6 tháng, chúng tôi đã lựa chọn được tư vấn trúng thầu là liên danh Nhật Bản - Pháp - Việt Nam (Viết tắt là liên danh nhà thầu JFV). Đồng thời, ACV cũng hoàn thành thủ tục chỉ định thầu tác giả của phương án kiến trúc “Bông sen” (Công ty Heerim Architects & Planners Co., Ltd - Hàn Quốc) là nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách trong gói thầu tư vấn lập FS tổng thể của giai đoạn 1 sau khi phương án kiến trúc nhà ga được Bộ GTVT lựa chọn vào tháng 3/2018.

Liên danh JFV bao gồm các công ty nổi tiếng hàng đầu về tư vấn, thiết kế trong lĩnh vực CHK với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án CHK, nhà ga hành khách lớn, tiêu biểu trên thế giới, đạt chất lượng cao.
Cụ thể, Japan Airport Consultants (JAC) là tư vấn hàng đầu và duy nhất chuyên về CHK của Nhật, đã tham gia các công trình lớn của Nhật và trên thế giới như: Papua New Guinea, Philippines, Ai Cập, Sri Lanka, Tajikistan, Hàn Quốc, Panama… Tại Việt Nam, đây cũng là tư vấn thiết kế và giám sát 2 dự án nhà ga hành khách quốc tế tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài; Là tư vấn chính trong công tác quy hoạch tổng thể CHK quốc tế Long Thành cũng như nghiên cứu tiền khả thi dự án “Xây dựng CHK quốc tế Long Thành”.

Theo kế hoạch trình Bộ GTVT, ACV triển khai thực hiện lập FS từ tháng 6/2018 - 6/2019. Thẩm định FS từ tháng 6/2019 - 10/2019. Trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 10/2019. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án tháng 12/2019. Dự kiến, tháng 6/2020 khởi công dự án và đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác.

ADPi cũng là cái tên “đáng nể” thuộc Tập đoàn ADP của Pháp với nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực thiết kế các CHK, nhà ga hành khách trên thế giới đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, hiệu quả trong khai thác. Công ty đã thực hiện quy hoạch tổng thể cho CHK Paris Charle de Gaulle. Doanh nghiệp này cũng góp mặt tại nhiều dự án lớn ở: Ethiopia, Bahrain, Hàn Quốc, Philippines, Myanmar, Dubai…

Đặc biệt, ADPi đã tham gia lập quy hoạch tổng thể CHK quốc tế Long Thành cùng với tư vấn đứng đầu liên danh là JAC.

Tư vấn Nippon Koei trong liên danh này cũng rất nổi tiếng với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn trên thế giới. Một cái tên khác cũng đến từ Nhật Bản là Oriental Consultants Global nổi tiếng với tư cách là công ty tư vấn thực hiện quy hoạch tổng thể, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết phát triển CHK quốc tế mới Mandalay (Myanmar)…

Hai thành viên khác trong liên danh đến từ Việt Nam là Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC) và TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cũng là những cái tên hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn xây dựng công trình giao thông.

Nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách trong gói thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể giai đoạn 1 là Heerim Architects & Planners. Đây là doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp kiến trúc Hàn Quốc với doanh thu khoảng 131 triệu USD/năm với nhiều kinh nghiệm tại khoảng 150 dự án trên toàn cầu.

Hiện nay, ACV đang tích cực cùng các nhà thầu hoàn tất văn bản hợp đồng để có thể ký kết vào đầu tháng 6, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN Lại Xuân Thanh 

Tư vấn sẽ cần bao lâu để có thể hoàn tất FS? CHK Long Thành bao giờ có thể khởi công?

Với việc hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn FS đúng tiến độ, chúng tôi lập kế hoạch chi tiết về tiến độ dự án, báo cáo Bộ GTVT. Từng hạng mục công việc được lên kế hoạch cụ thể về thời gian bắt đầu, kết thúc, đảm bảo dự án có thể khởi công vào cuối năm 2020, đưa vào khai thác chậm nhất vào năm 2025.

Trong đó, việc lập FS sẽ được thực hiện trong 1 năm, từ tháng 6/2018 - 6/2019. Ngay sau đó, việc thẩm định FS sẽ tích cực được triển khai để có thể hoàn tất và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019, khởi công dự án vào 6/2020.

Tiến độ xây dựng CHK quốc tế Long Thành được lập trên cơ sở tham khảo tiến độ xây dựng một số dự án có quy mô tương tự trong khu vực như sân bay Kuala Lumpur (từ 1993 - 1998), sân bay Suvarnabhumi (từ 2002 - 2006), nhà ga Changi 3 (từ 2004 - 2008), sân bay quốc tế mới Bắc Kinh (từ 2014 - 2019), kể từ ngày khởi công các hạng mục chính.

Xã Suối Trầu (huyện Long Thành) thuộc vùng lõi sân bay sẽ được giải tỏa trắng

Hội đồng thẩm định nhà nước tham gia cho ý kiến từ khi lập FS

Dự án cần những cơ chế đặc biệt gì để có thể đảm bảo tiến độ và triển khai đúng lộ trình đặt ra, thưa ông?

Để đảm bảo tiến độ khởi công vào tháng 6/2020 và hoàn thành đưa vào khai thác CHK quốc tế Long Thành trong năm 2025 như kế hoạch đệ trình, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ giao nhiệm vụ chủ đầu tư các hạng mục chính của dự án CHK quốc tế Long Thành (khu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, FHS, nhà để xe…) cho ACV để chúng tôi có thể triển khai sớm công tác thu xếp nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư.

Để rút ngắn thời gian thẩm định dự án, đề nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, tham gia và cho ý kiến thẩm định dự án ngay trong quá trình triển khai lập FS, bắt đầu từ Báo cáo tiến độ lập FS lần 1 (30/8/2018).

Chúng tôi cũng kiến nghị được giao lập và triển khai thực hiện hạng mục rà phá bom mìn bằng nguồn vốn của ACV ngay sau khi nhận mặt bằng cho giai đoạn 1 cũng như được triển khai các bước chọn thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và lập tổng dự toán, triển khai thiết kế kỹ thuật và lập dự toán gói thầu san nền song song với quá trình trình Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt FS. Công tác thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán gói thầu san nền sẽ được thực hiện sau khi FS được phê duyệt.

Ngoài ra, trong báo cáo tiền khả thi, một số hạng mục công trình dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA (khu bay). Tuy nhiên, thủ tục để huy động vốn ODA sẽ kéo dài, không đảm bảo được tiến độ, tăng chi phí đầu tư, tăng nợ công. Do vậy, ACV đề nghị Bộ GTVT cho phép định hướng lập FS theo hướng sử dụng nguồn vốn tự có và huy động của ACV để thực hiện đầu tư các hạng mục chính, bao gồm cả các hạng mục đã được dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA (khoảng 1,263 tỷ USD)

Dự kiến, tư vấn lập FS sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu về hệ thống giao thông tiếp cận (ngoài phạm vi 5.000 ha của CHK quốc tế Long Thành) vào quý III/2018. Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh

Đồng Nai xem xét cập nhật quy hoạch giao thông khu vực và chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận song song với quá trình đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

Vốn triển khai dự án là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Cách nào để ACV lo được khoản tài chính rất lớn này?

Ngoài các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa, vốn của công ty quản lý bay (đối với các phần việc của quản lý bay)…; ACV sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và huy động cho các công trình ACV làm chủ đầu tư như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, nhà khách VIP, đường giao thông nội cảng, bãi đỗ ô tô, nhà để xe, khu văn phòng cảng…

Các công trình hạ tầng khu bay, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, hệ thống kỹ thuật khu bay, hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm, trung tâm xử lý nước thải, trạm khẩn nguy cứu hỏa… sẽ do ACV thu xếp từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh và nguồn khấu hao đến năm 2025. Phần vốn còn lại ACV huy động từ nguồn vay, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu.

Cảm ơn ông!
 

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)