Chuyển hướng đóng tàu vỏ nhôm, hướng đi mới của đóng tàu miền Nam?

Thứ hai, 28/05/2018 15:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thị trường vận tải biển nói chung chưa hồi phục, vì thế nhu cầu đóng mới tàu cả trong nước và thế giới vẫn trầm lắng, thị trường ảm đạm và chưa có dấu hiệu phục hồi như kỳ vọng. Các doanh nghiệp đóng tàu trong nước vốn dĩ quen làm tàu vỏ thép truyền thống của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang tìm hướng phát triển mới như đóng tàu vỏ hợp kim nhôm phục vụ vận tải biển nội địa để duy trì sản xuất, giữ ngành công nghiệp đóng tàu phát triển bền vững.

Từ đóng tàu vỏ thép sang vỏ nhôm: vạn sự khởi đầu nan

Đây là câu chuyện của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) hiện đang tập trung cho dòng sản phẩm tàu, phà chở khách với điểm đặc biệt là ca-bin làm bằng nhôm, nhẹ hơn nhưng bền hơn.

Nhận thấy thị trường vận tải biển vẫn chưa phục hồi, đơn hàng cho đóng tàu vỏ thép truyền thống ngày càng thưa thớt, ngay từ năm 2016, SSIC đã tự vận động mình để tìm hướng đi mới mới là đóng tàu vỏ thép truyền thống sang tàu vỏ hợp kim nhôm.


Phân xưởng đóng tàu vỏ nhôm của SSIC

Phó Giám đốc SSIC Trần Tấn Châm chia sẻ, công nghệ đóng tàu vỏ nhôm đối với thế giới thì phổ biến, nhưng riêng đối với các nhà máy đóng tàu Việt Nam thì còn khá mới mẻ.

“100% các kết cấu hoàn toàn được cắt bằng máy tự động và toàn bộ kết cấu vỏ tàu và các phân đoạn lắp ráp được nhà máy thiết kế và mô phỏng trên 3D trước khi xuất xuống cho thi công, đồng thời áp dụng các máy móc thiết bị hiện đại vào các công tác hàn gần như 100%”, ông Trần Tấn Châm cho biết.


Tàu chở khách sắp bàn giao cho chủ tàu của SSIC

PGĐ SSIC cũng cho biết thêm, từ con tàu khách vỏ nhôm thí điểm đầu tiên chạy tuyến Hà Tiên (Kiên Giang) - Phú Quốc, đến nay SSIC đã và đang khẳng định được thương hiệu của mình.

“Công ty đã có thêm các hợp đồng với nhiều seri tàu vỏ nhôm khác nhau, được khách hàng đánh giá cao. Trên tuyến Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc có khoảng 20 tàu đang khai thác thì có tới 15 chiếc là sản phẩm “made by SSIC”, ông Trần Tấn Châm chia sẻ.

Cũng theo vị lãnh đạo này, để có được thành công ban đầu như vậy, SSIC đã phải bỏ chi phí cho gần 1000 lượt người lao động của công ty học nghiệp vụ để nắm chắc xu thế đổi mới công nghệ. Công nhân ở đây được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo lại nhưng sẽ phải qua được các kỳ kiểm tra của các tổ chức đăng kiểm thì mới được vào thi công dự án đóng tàu mới tiếp theo, nếu không chính họ sẽ mất việc và tự đào thải mình.

Hào hứng với sự đổi mới của Công ty, anh Nguyễn Quốc Vinh, công nhân của SSIC phấn khởi chia sẻ,  hàng năm công ty tổ chức thi tay nghề, nâng cao trì độ, đáp ứng cao các SP. Đặc biệt mỗi sản là ở mỗi sản phẩm đóng mới của nhà máy thì được công ty đào tạo về để nắm bắt các quy trình công nghệ của sản phẩm đó để anh em làm ra sản phẩm cao nhất và chất lượng tốt nhất.

“Khó hơn một chút nhưng có việc làm ổn định và thu nhập cao thì anh em công nhân chúng tôi cũng sẵn sàng chuyển đổi cùng Công ty”, người công nhân đóng tàu bộc bạch.

Tìm chiến lược mới

Cũng giống như người anh em cùng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin - SSMI) cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép. Tuy nhiên, phát huy thế mạnh sẵn có là sửa chữa tàu, Công ty vẫn đang tương đối ổn định, duy trì sản xuất.  Saigon Shipmarin  hiện có hai ụ nổi trọng tải 6 nghìn tấn và 8.500 tấn có khả năng sửa chữa được tàu trọng tải đến 27 nghìn tấn. Doanh thu bình quân hằng năm từ sửa chữa của công ty đạt khoảng 80 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Saigon Shipmarin Cao Tuấn Dũng, nhu cầu sửa chữa tàu dồi dào hơn bởi muốn hoạt động an toàn trên biển, tàu bắt buộc phải quan tâm đến bảo dưỡng, sửa chữa.


Thế mạnh của SSMI là sửa chữa tàu 

“Thời gian qua Công ty đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức sản xuất khoa học hơn và áp dụng nhiều công nghệ mới vào đóng mới sửa chữa tàu, đặc biệt là công tác làm sạch, sơn đã được bạn hàng tín nhiệm cao. Công việc này tuy nguồn thu không lớn như đóng mới nhưng được trả tiền ngay, thời gian ngắn, không bị đọng vốn”, PGĐ Cao Tuấn Dũng cho biết.

Quý I/2018, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu bàn giao 1/8 chiếc tàu đóng mới theo đúng kế hoạch; giá trị sản xuất đạt 98,5 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 8,51 triệu đồng/người/tháng.


Không chỉ đóng tàu vỏ thép truyền thống,
SSMI còn "làm" thuyền du lịch 5 sao và tiếp cận dần công nghệ đóng tàu vỏ nhôm

Phó Giám đốc Saigon Shipmarin cũng chia sẻ, song song với việc phát huy thế mạnh là sửa chữa tàu, công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư thêm hướng đóng mới tàu khách vỏ nhôm. “Bước đầu chúng tôi đã gửi “quân” ra Nhà máy đóng tàu Sông Cấm để học hỏi kinh nghiệm quản lý cũng như kỹ thuật tay nghề cao. Đây có thể là hướng chiến lược mới nhằm duy trì đội ngũ cán bộ, công nhân, chờ ngành vận tải biển phục hồi”, Theo Phó Giám đốc Saigon Shipmarin Cao Tuấn Dũng chia sẻ.

Phong Kỳ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)