Cảng Hải Phòng từ truyền thống hào hùng vươn ra biển lớn

Thứ tư, 05/09/2018 17:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cảng Hải Phòng suốt hơn 100 năm qua luôn đóng vai trò là cửa ngõ ra biển lớn nhất của miền Bắc, gắn liền với từng bước thăng trầm lịch sử phát triển của TP Hải Phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo TP Hải Phòng tham quan phòng điều hành
cảng Tân Vũ thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng

Truyền thống, thương hiệu Cảng Hải Phòng ngày nay đang được CBCNV phát huy để tiến ra biển lớn với việc triển khai xây dựng cảng Lạch Huyện.

144 năm xây dựng, trưởng thành

Ngày 24/7, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo TP Hải Phòng, ông Phùng Xuân Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cảng Hải Phòng đã phát biểu: “Gần 3.000 công nhân tự hào với truyền thống 144 năm hình thành phát triển, quyết tâm giữ vững thương hiệu cảng Hải Phòng”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Cảng Hải Phòng là niềm tự hào và đóng góp rất lớn cho ngành Giao thông trong suốt hơn 100 năm qua”. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng bổ sung: “Cảng Hải Phòng là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân TP Hải Phòng gắn liền với những bước thăng trầm của thành phố”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cảng Hải Phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND và Giải thưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày nay, Cảng Hải Phòng vẫn khẳng định tiếp nối truyền thống đã được được xây dựng và phát huy qua các thời kỳ, trở thành một cảng biển văn minh, hiện đại nhất miền Bắc.

Xác định là cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc, từ năm 1874 thực dân Pháp đã cho xây dựng cảng Hải Phòng phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa. Công trình đầu tiên có quy mô lớn là hệ thống nhà kho gồm 6 kho, nên được gọi là Bến Sáu Kho (cảng Hoàng Diệu ngày nay) thu hút một lực lượng lớn lao động với biệt danh “phu khuân vác”. Cuộc sống cùng cực, đói rách dưới sự bóc lột của thực dân Pháp thôi thúc cuộc đấu tranh của 500 công nhân cảng đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập và đã giành thắng lợi vang dội vào ngày 24/11/1929. Sau đó 4 ngày, Chi bộ Đông Dương Cộng sản đầu tiên đã được thành lập tại Cảng Hải Phòng, mở đầu truyền thống vẻ vang của đội ngũ công nhân cảng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những tháng năm chống Mỹ, công nhân cảng vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Sau ngày đất nước thống nhất, cảng Hải Phòng tổ chức lại sản xuất, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chỉ 2 năm sau giải phóng miền Nam, sản lượng hàng qua cảng đã tăng 10% so với công suất thiết kế. Bước vào thời kỳ đổi mới, Cảng Hải Phòng đã có bước phát triển nhảy vọt, năm 1995, với 17 cầu tàu, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 4,5 triệu tấn. Đó là năm đầu tiên, doanh thu toàn cảng đạt mức hơn 200 tỷ đồng.

Làm chủ công nghệ hiện đại

Tới nay, cảng Hải Phòng đang quản lý khai thác 3.972m cầu bến, khoảng 100ha kho bãi, bao gồm 4 khu vực gồm: Chùa Vẽ, Tân Vũ, Đình Vũ và 5 bến phao, khai thác khu chuyển tải Bạch Đằng, Bến Gót, Lan Hạ, Hạ Long.

Sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực Hải Phòng (chiếm 40% thị phần khối lượng bốc xếp hàng tổng hợp, hàng container qua cảng biển Hải Phòng), cảng Hải Phòng không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu xếp dỡ ngày càng cao. Đầu năm 2018, đơn vị đã đưa vào khai thác 2 cần trục khổng lồ vừa được sản xuất tại tại CHLB Đức (trị giá mỗi cần trục 5 triệu USD), có thể khai thác các tàu có chiều ngang đến 14 hàng container.

Khi tham quan khu vực trung tâm điều hành của cảng Tân Vũ cuối tháng 7/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao việc áp dụng công nghệ vào điều hành SXKD của cảng. Từ phòng điều hành, mọi hoạt động đều được giám sát qua camera. Khách hàng có yêu cầu làm hàng lập tức hệ thống điều hành phát lệnh, hệ thống cần cẩu tự động tìm tới luồng có container để bốc xếp qua hệ thống phần mềm T.O.S (hệ thống điều hành sản xuất). Ông Hà Vũ Hào, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết: “Công ty đang sử dụng nhiều công nghệ như quản lý container bằng hệ thống DGPS, tổ chức sản xuất và điều hành bến container bằng phần mềm quản lý T.O.S, áp dụng hệ thống thông quan điện tử”.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, trong giai đoạn là DN Nhà nước, Cảng Hải Phòng đã bảo toàn và phát triển phần vốn Nhà nước tăng 2,6 lần; Đồng thời, xây dựng và mở rộng ra khu vực Đình Vũ bằng nguồn vốn tự tích lũy. Từ 1/7/2014, Cảng Hải Phòng đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Sau hơn 3 năm, hoạt động của cảng đạt hiệu quả cao, sản lượng bình quân hàng năm trên 33 triệu tấn/năm (chiếm trên 42% thị phần khu vực Hải Phòng), Doanh thu bình quân hàng năm khoảng 2.400 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hàng năm đạt 560 - 710 tỷ đồng/năm; đời sống CBCNV ổn định; đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, cổ đông và người lao động…

Mục tiêu của Cảng Hải Phòng trong giai đoạn 2018-2020

Hiện, công ty tập trung hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ kết hợp với trang bị hệ thống CNTT hiện đại, đảm bảo mục tiêu: Sản lượng thông qua 1,5 triệu TEU/năm; năng suất ngang với các cảng tiên tiến trong khu vực. Công ty đẩy mạnh hợp tác đầu tư và khai thác với các cảng khác tại khu vực Đình Vũ. Cảng đang xây dựng kế hoạch di dời và sử dụng hiệu quả các bến tại khu vực Hoàng Diệu và Chùa Vẽ, nghiên cứu mở rộng các dịch vụ phụ trợ nhằm mở rộng mô hình kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cảng là tập trung nguồn lực triển khai Dự án đầu tư 2 bến container số 3, 4 thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, giữ được thị phần và giữ được các khách hàng container lớn.

Chuẩn bị sẵn sàng tiến ra Lạch Huyện

Trải qua 144 năm, cảng Hải Phòng không ngừng phát triển và lớn mạnh. Tuy vậy, qua biến thiên của thời gian, bồi lấp của sông Cấm và sự mở rộng không gian đô thị của TP Hải Phòng, những bến cảng ban đầu của Hải Phòng nay đã không phù hợp với sự phát triển của cảng. Cảng Hoàng Diệu là khu cảng tổng hợp lớn nhất miền Bắc và có lịch sử trên 140 năm nhưng sẽ phải di dời trong thời gian tới để phục vụ quy hoạch đô thị của TP Hải Phòng.

Từ nhiều năm trước, Ban lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng đã nhận thấy phát triển cảng Hải Phòng ra cảng Lạch Huyện (Cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc nằm tại địa phận huyện Cát Hải) là một xu hướng tất yếu. Cảng Hải Phòng đã chuẩn bị mọi điều kiện cho bước đi quan trọng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn đơn vị.

Từ tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Cảng Hải Phòng được đầu tư xây dựng 2 bến container số 3, 4 tại cảng Lạch Huyện. Ngày 27/2/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch SXKD 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của TCT Hàng hải VN. Quyết định nêu rõ: “Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư có quy mô 2 bến container và tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000Teu; thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020 và đưa cảng vào khai thác sử dụng trong quý IV/2019”. Hiện, việc xin phê duyệt 2 bến container số 3 và số 4 đang được các bộ, ngành liên quan khẩn trương xúc tiến. Đối với gần 3.000 CBCNV Cảng Hải Phòng, việc sớm được phê duyệt triển khai 2 bến container số 3, 4 là niềm mong mỏi, là quyết tâm chính trị để CBCNV giữ vững truyền thống, thương hiệu hàng trăm năm của cảng, tạo sự ổn định, đảm bảo an ninh kinh tế và an sinh xã hội TP Hải Phòng, Cảng Hải Phòng.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)