Tổng cục ĐBVN vừa báo cáo Bộ GTVT về kết quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện năm 2018. Theo đó, số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10%.
Số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải năm 2018 giảm còn 10%
Tổng cục ĐBVN cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành đường bộ đã tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, các chủ phương tiện và lái xe. Số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10%, cụ thể như sau:
Các Trạm KTTTX lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 201.936 xe, trong đó có 20.321 xe vi phạm, tước 7.081 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 217,328 tỷ đồng.
Lực lượng Công chức Thanh tra các Cục QLĐB đã tiến hành kiểm tra 916 xe, trong đó có 885 xe vi phạm, tước 449 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 19,235 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt Trạm KTTTX lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.
Theo đánh giá của Tổng cục ĐBVN, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cùng phối hợp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe, lái xe, chủ hàng;
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ bản vẫn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra các Cục QLĐB đã khắc phục khó khăn về điều kiện làm việc, biên chế, kinh phí, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường;
Các Cảng biển lớn khu vực TP. Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe chở hàng quá tải ra vào Cảng và xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng;
Các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả tích cực, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của các Hiệp hội nghề nghiệp và toàn xã hội; đồng thời phản ánh đa chiều về các bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện;
Qua theo dõi kết quả, báo cáo của các Cục QLĐB và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, một số địa phương duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, kiềm chế tái diễn tình trạng xe quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Một số địa phương lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn duy trì phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe như Lai Châu, Kon Tum...
P.V