Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa ký Văn bản số 326/BGTVT-ATGT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT các tháng đầu năm 2019.
Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các vị trí trọng điểm, ngăn chặn có hiệu quả những vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ do đó tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2019 vẫn xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng (như vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 08/01/2019 tại Km898+200, Quốc lộ 1 (đèo Hải Vân) thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế làm 01 người chết, 21 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra vào ngày 09/01/2019 trên QL1A đoạn qua xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, Bình Định đã va vào dải phân cách lật ngang giữa đường làm xe khách chạy cùng chiều đâm vào. Vụ tai nạn làm 01 người chết, 13 người bị thương, 02 ô tô bị hư hỏng nặng...
Bộ GTVT yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT các tháng đầu năm 2019
Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trong các tháng đầu năm 2019, dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu đi lại tăng cao, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại các Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải đường bộ; Chỉ thị số 04/CT-BGTVT ngày 20/6/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về công tác bảo đảm TTATGT.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách, hàng hóa đặc biệt là các phương tiện xe khách; theo dõi hoạt động của các phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình; xử lý hoặc chỉ đạo, phối hợp với Sở GTVT các địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
Tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông đặc biệt là hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường đèo dốc, đường có bán kính cong nhỏ, đường bị che khuất tầm nhìn để bảo đảm điều kiện tốt nhất về ATGT cho người tham gia giao thông; khắc phục các bất cập về hạ tầng, huy động lực lượng để xử lý khắc phục ngay các công trình hạ tầng hư hỏng, xuống cấp nhằm bảo đảm ATGT suốt, an toàn.
Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm các điều kiện về kinh doanh vận tải, đặc biệt chú ý tới việc kiểm tra sức khỏe của lái xe, hoạt động của bộ phận quản lý ATGT, thiết bị giám sát hành trình đối vói các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, xe tải trên 10 tấn, xe công-ten-nơ, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng để bảo đảm an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Quản lý chặt hoạt động các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe; hoạt động các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phương tiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trền phạm vi toàn quốc.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trong việc bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phương tiện, đặc biệt chú ý công tác đăng kiểm các phương tiện là xe chở khách, xe bồn chở bê tông, xi măng, các phương tiện vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng, vận chuyển các chất dễ cháy nổ, vận chuyển hàng nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông; Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các xe khách tại các bến xe;
Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm, kiên quyết không kiểm định đối với các xe khách giường nằm lắp đặt thêm các thiết bị điện tử không theo quy định, gây quá tải cho hệ thống điện của xe. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân không tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm định phương tiện vận tải đường bộ.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi hoạt động của các phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình, thường xuyên cập nhập dữ liệu, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xử lý hoặc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền;
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trực thuộc Sở trong việc bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phương tiện; chú ý công tác đăng kiểm các phương tiên là xe chở khách, xe bồn chở bê tông, xi măng, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyên các chất dễ cháy nổ, vận chuyển hàng nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm;
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở và các Bến xe trên địa bàn, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với việc xếp, dỡ hàng hóa, hành khách và các điều kiện về kỹ thuật của phương tiện, an toàn của người lái, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn (đối với các xe được trang bị) trước khi cho xe xuất bến. Đặc biệt là những xe khách giường nằm chở theo hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng hóa bị cấm... Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và không cho phép phương tiện xuất bến khi chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện cũng như các điều kiện khác về kinh doanh hoạt động vận tải hành khách.
X.N