Chấn chỉnh và tăng cường quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ, đường cao tốc

Thứ tư, 23/01/2019 15:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa ký văn bản yêu cầu các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); các Cục Quản lý đường bộ I, II, III và IV; Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bình Phước về việc chấn chỉnh và tăng cường về quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ, đường cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT, đường cao tốc do doanh nghiệp quản lý, bảo trì.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải pHòng

Tổng cục Đường bộ VN đánh giá, hiện nay các tuyến đường do doanh nghiệp quản lý bảo trì có chất lượng bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) chưa đạt yêu cầu; đơn vị BDTX chưa làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, một số Các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, còn dễ dãi trong việc nghiệm thu đánh giá chất lượng thực hiện, cá biệt có đơn vị hoặc tuyến đường còn hiện tượng buông lỏng quản lý, BDTX.

Dẫn đến chất lượng mặt đường xấu, nhiều nơi xuất hiện mặt đường vỡ, ổ gà, sình lún vv.., sơn kẻ mờ, cỏ cây chưa được phát quang, lề đường lún võng hoặc gồ cao, rãnh cống đọng rác, tắc …nhưng không được sửa chữa, mặc dù trong giá và yêu cầu kỹ thuật đã quy định tại hợp đồng. Công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm lấn chiếm, tập kết vật tư, vật liệu, hàng hóa, nông sản, san lấp mặt bằng và đấu nối chưa được quản lý chặt chẽ, chưa phát hiện và xử lý đối với hư hỏng, mất mát hoặc nhổ, di dời mốc GPMB, mốc lộ giới.

Bên cạnh việc chưa quyết liệt của địa phương trong việc cưỡng chế vi phạm, còn thể hiện việc quản lý của các cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện hết trách nhiệm trong công tác này; các nhà thầu thực hiện công tác quản lý, BDTX đường bộ chưa tổ chức lực lượng tuần đường đầy đủ, làm ngơ trước các vi phạm, chậm phát hiện để báo cáo cơ quan quản lý đường bộ xử lý đối với các vi phạm; chưa quyết liệt ngăn chặn các vi phạm đất và hành lang đường bộ.

Ngăn chặn, xử lý các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Để khắc phục các tồn tại trên đối với tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc theo hình thức Hợp đồng BOT, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC (gọi chung là doanh nghiệp quản lý đường) chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý bảo vệ KCHTGTĐB, nhất là các hiện tượng lấn chiếm đất của đường bộ, đất đã được Nhà nước đền bù thu hồi, vi phạm đấu nối và san lấp mặt bằng trong phạm vi đất dành cho đường bộ (gồm đất của đường bộ và HLATĐB)

Nhà thầu hoặc đơn vị được doanh nghiệp quản lý đường giao thực hiện quản lý, BDTX chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Doanh nghiệp quản lý đường theo hợp đồng đã ký hoặc văn bản giao và quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị tại điểm a và b Khoản mục 1.2 chịu trách nhiệm liên quan nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ dẫn đến tai nạn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Các Cục QLĐB, Sở GTVT theo dõi, kiểm tra, giám sát Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC thực hiện các hoạt động quản lý và bảo vệ KCHTGTĐB.

Tổng cục Đường bộ VN lưu ý một số công việc các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC phải chú trọng triển khai khẩn trương và thường xuyên trong thời gian tới đó là rà soát, bổ sung lực lượng cán bộ làm công tác tuần đường; phân công rõ trách nhiệm của Lãnh đạo Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC (hoặc đơn vị tương đương), Phòng, Ban trực thuộc để tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác này; Khẩn trương ban hành các văn bản quy định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với công tác này nếu chưa ban hành hoặc đã ban hành nhưng cần sửa đổi, bổ sung.

Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm quản lý bảo vệ tốt KCHTGTĐB, đặc biệt là các hành vi lấn chiếm đất của đường bộ, đất đã được đền bù thu hồi, phá hoại, di dời cọc mốc GPMB, cọc mốc lộ giới đường bộ, san lấp mặt bằng, đấu nối trái phép trong phạm vi HLATĐB. Có các biện pháp để phát hiện kịp thời các vi phạm; thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn vi phạm; Kiên quyết xử lý ngay các vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; Không để vi phạm kéo dài nhưng không xử lý dẫn đến hiện tượng coi thường pháp luật, dây dưa chây ỳ không khắc phục.

Thông báo cho cơ quan quản lý đường bộ (Cục QLĐB hoặc Sở GTVT) để phối hợp lập biên bản và đề nghị UBND cấp huyện, UBND cấp xã căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề nghị chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế vi phạm, đấu tranh ngăn chặn hiện tượng vi phạm. Đồng thời, có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, Ban ATGT cấp tỉnh chỉ đạo nếu UBND cấp huyện không thực hiện. Trường hợp vi phạm không được xử lý báo cáo để Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT, cơ quan nhà nước cấp trên hoặc đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo xử lý.

Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhà thầu hoặc đơn vị được giao bảo dưỡng thường xuyên thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm về tuần đường, trách nhiệm về quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Thông tư của Bộ GTVT về công tác tuần kiểm đường bộ, Tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên TCCS:2013/TCĐBVN, Tiêu chuẩn quản lý, Tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên đường cao tốc, các quy định hiện hành và hợp đồng đã ký.

Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu nâng cao chất lượng BDTX, không để các hư hỏng xảy ra.

Bảo đảm và nâng cao chất lượng BDTX quốc lộ và đường cao tốc

Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu mục tiêu chất lượng BDTX bảo đảm các quy định và phải được nâng cao, không để các hư hỏng ổ gà, sình lún, mặt đường ngập đọng nước, cỏ cây mọc che khuất biển báo, cọc tiêu, cột Km, công trình an toàn giao thông mờ không có tác dụng.

 Theo đó, các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý nhà thầu hoặc đơn vị được giao BDTX để vi phạm chất lượng bảo dưỡng thường xuyên. Kiên quyết xử lý vi phạm của nhà thầu hoặc đơn vị thực hiện quản lý BDTX. Thực hiện nghiêm túc việc nghiêm thu đánh giá chất lượng công tác tuần đường, công tác quản lý bảo vệ HLATĐB, KCHTGTĐB; Hạ điểm, giảm trừ giá trị thanh toán nếu nhà thầu hoặc đơn vị BDTX thực hiện không đúng, không đầy đủ. Chấm dứt hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, thay nhà thầu khác, cấm nhà thầu vi phạm tham gia đấu thầu.

Nhà thầu hoặc đơn vị được giao BDTX chịu trách nhiệm trước Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC theo quy định của pháp luật và quy định tại hợp đồng đã ký. Xử lý cán bộ, nhân viên, người lao động, lao động theo hợp đồng nếu không chấp hành tốt các quy định, để xảy ra vi phạm; thay thế nhân sự nếu có vi phạm nặng hoặc nếu cần. Chấp hành việc bị xử lý nếu đơn vị mình vi phạm.

Các cơ quan, đơn vị tại điểm a và b Khoản mục 2.2 chịu trách nhiệm liên quan nếu thực hiện bảo trì không đúng, không đầy đủ mà dẫn đến tai nạn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Các Cục QLĐB, Sở GTVT hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra, giám sát Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án, VEC thực hiện các hoạt động quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.

Tổng cục Đường bộ VN lưu ý một số công việc các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC phải chú trọng triển khai khẩn trương và thường xuyên liên tục, đó là ra quân tổng rà soát các tuyến đường để xác định các tồn tại về chất lượng bảo dưỡng, nhất là chất lượng mặt đường, công việc có liên quan đến thoát nước, công việc phát cây, cắt xén cỏ, công tác vệ sinh mặt đường, lau chùi vệ sinh và sơn dặm biển báo hiệu đường bộ. Thống kê ghi rõ các hư hỏng, tồn tại cần khắc phục.

Tổng cục  yêu cầu thời gian thực hiện đợt đầu tiên sau khi văn bản này được ban hành và phải xong trước ngày 25/01/2019 (tức 20/12 Âm lịch) để kịp thời yêu cầu nhà thầu sửa chữa đảm bảo giao thông dịp Tết Âm lịch; Các lần khác được thực hiện thường xuyên trong cả năm, nhất là trước các dịp nghỉ lễ, tết v.v…

Yêu cầu nhà thầu hoặc đơn vị BDTX khắc phục ngay các tồn tại về các hư hỏng ổ gà, sình lún; khắc phục tình trạng mặt đường ngập đọng nước; cắt xén, không để cỏ cây mọc che khuất biển báo, cọc tiêu, cột Km, hạn chế tầm nhìn; sơn dặm biển báo vạch sơn mờ, vệ sinh lau chùi sạch sẽ biển báo ATGT; củng cố các công trình ATGT bị hư hỏng, mất mát (hộ lan, cọc tiêu, lan can tay vịn vv…). Riêng đối với đợt cao điểm phục vụ GTVT dịp Tết Âm lịch phải hoàn thành sửa chữa trước ngày 31/01/2019 (tức ngày 26/12 Âm lịch); các thời điểm khác trong năm thực hiện thường xuyên, liên tục. Riêng đối với đợt cao điểm trước Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019 các công việc này phải hoàn thành trước ngày 31/01/2019.

Ngoài thực hiện các nội dung nêu trên, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp dự án BOT, VEC có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT, bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa quy định tại Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 61/CĐ-BGTVT ngày 20/12/2018 của Bộ GTVT về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)