Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cử đoàn công tác đến nghiệm thu, kiểm tra hoạt động của hệ thống cân điện tử tự động được đặt tại Km78+770 QL5 thuộc địa phận Hải Phòng.
Hệ thống cân điện tử (tích hợp trên giá long môn) sẽ nhanh chóng đọc thông tin xe đi qua bằng hệ thống camera
và tự động đo khối lượng, phân tích vi phạm của các xe vi phạm tải trọng
Ông Đặng Văn Trung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN) cho biết, hệ thống cân điện tử tự động trên QL.5 do Jica (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ, Công ty Tanaka trực tiếp sản xuất, lắp đặt và bàn giao cho Tổng cục Đường bộ VN. “Đây được xem là hệ thống cân tải trọng xe hiện đại nhất Việt Nam, hình thành trên sự kết hợp giữa công nghệ cân trọng tải của Nhật Bản và phần mềm tính toán của Tổng cục Đường bộ VN. Nếu các loại hình cân cũ phải cần lực lượng thanh tra túc trực giám sát, tiến hành đo lường thành thùng, khối lượng xe thì hệ thống cân điện tử do Jica tài trợ với hệ thống camera hiện đại sẽ tự động chụp lại biển số của tất cả các xe đi qua và lập tức đọc ra 15 thông tin của xe như: tên chủ xe, khối lượng bản thân của xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng. Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo lường, phân tích thông số: xe nặng bao nhiêu tấn, tính toán ra xe này có vi phạm tải trọng không? Vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu phần trăm?
Nhờ tích hợp công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống cân điện tử này cũng có thể thực hiện cân tải trọng khi xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80 km/h và chỉ mất từ 3 - 10s, phiếu cân đã có thể được in ra, phục vụ lực lượng chức năng trong việc ra quyết định xử phạt nguội phương tiện vi phạm.
Kết quả tại trạm cân này cũng có độ chính xác rất cao. Quá trình thử nghiệm cho thấy, hầu hết mã cân có sai số bằng 0. Sai số lớn nhất chỉ khoảng 5-6% (trong đăng kiểm cho phép sai số đến 10%)”, ông Đặng Văn Trung cho biết.
“Theo Thông tư 06 của Bộ GTVT về về việc quy định Quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đối với các phương tiện vi phạm không có chủ xe, lái xe và phương tiện ở hiện trường, bộ phận cân có nhiệm vụ chuyển phiếu cân cho lực lượng chức năng xác định, xử phạt. Do đó, khi đi vào vận hành, kết quả hệ thống cân điện tử cung cấp có thể làm cứ liệu để cơ quan chức năng phạt nguội được ngay”, ông Đặng Văn Trung nói.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển mô hình cân điện tử này trong thời gian tới, ông Trung cho biết, Bộ GTVT đã có Quyết định giao Tổng cục Đường bộ Việt nam tiếp nhận hệ thống cân này và đưa vào hoạt động thí điểm trong vòng 6 tháng và đánh giá, đề xuất với Bộ các phương án thực hiện tiếp theo.
“Ngày 20/2 Tổng cục đường bộ VN cùng Jica và đơn vị sản xuất sẽ ký kết bàn giao chính thức. Cùng đó, Tổng cục sẽ giao cho Cục QLĐB 1, đơn vị sản xuất bàn giao toàn bộ thiết bị tài sản. Sau đó, Tổng cục sẽ có quyết định giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) quản lý, khai thác, vận hành”, ông Trung cho hay.
Về phía Vidifi – Đơn vị quản lý, khai thác QL.5, ông Trịnh Phát Thịnh, Phó ban quản lý QL5 (thuộc Vidifi) cho biết, QL5 là trục đường có mật độ xe tải trọng lớn thường xuyên lưu thông, trong đó, không ít xe có dấu hiệu chở quá tải trọng, gây hư hỏng kết cấu mặt đường. “Vì vậy, việc áp dụng hệ thống cân tự động do Jica tài trợ sẽ giúp công tác kiểm soát tải trọng phương tiện của cơ quan chức năng, đơn vị khai thác cung đường được hiệu quả hơn, từ đó có biện pháp nhắc nhở, xử phạt, ngăn chặn kịp thời, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và sự an toàn cho người tham gia giao thông”, ông Thịnh nói.
K.H