Kinh tế hàng hải – nhân tố quan trọng trong Chiến lược biển Việt Nam

Thứ tư, 27/02/2019 09:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị quyết số 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X), với mục tiêu tổng quát là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Ảnh minh họa

Đánh giá chung về kinh tế hàng hải 10 năm qua

Lĩnh vực kinh tế hàng hải đã có bước phát triển đáng kể, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu đã liên tục gia tăng, với tốc độ tăng trong giai đoạn 2007-2010 là 22%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm. Tuy vậy, tỉ trọng đóng góp chung của kinh tế hàng hải vào GDP cả nước còn rất nhỏ và có xu  hướng giảm, với mức 1,05% vào năm 2010, 0,98% vào năm 2015 và 0,97% vào năm 2017. Đội tàu biển trong nước tính đến hết tháng 11/2017 có tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn, đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều theo các năm (năm 2015 đạt 427,3 triệu tấn thì đến năm 2017 đạt khoảng 511,6 triệu tấn). Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển, toàn ngành đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo nhu cầu lưu thông hàng hóa bằng đường biển với mức tăng trưởng hàng hóa hàng năm từ 10-20%. Nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn.

Nhân lực biển Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, cơ cấu nhân lực còn mất cân đối, đội ngũ nhân lực quản lý yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Lực lượng thuyền viên vừa chỉ đáp ứng nhu cầu hạn chế trong nước, vừa chưa có khả năng xuất khẩu như Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Đội ngũ nhân lực nghiên cứu sáng tạo còn ít, chất lượng chưa cao nên thành quả khoa học về biển và công nghệ phục vụ các hoạt động liên quan đến biển chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư cho việc phát triển nhân lực biển còn chưa tương xứng; đội ngũ giảng viên còn thiếu và yếu; cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, phương tiện trang thiết bị, trình độ cán bộ phục vụ công tác đào tạo, phát triển nhân lực… vừa thiếu, vừa yếu, trong khi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo về biển chưa được thúc đẩy mạnh mẽ.

Chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ảnh minh họa

Tháng 10/2018, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hoà với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với quy luật tự nhiên; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển. Bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hoà các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven biển và hải đảo, đại dương. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.

Ảnh minh họa

Cần chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với năng lực thông qua từ 640 đến 680 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 375 đến 400 triệu tấn/năm) vào năm 2020; đạt từ 1.040 đến 1.160 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 630 đến 715 triệu tấn/năm) vào năm 2030; tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có khả năng tiếp nhận được tàu trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container đến 8.000 TEU hoặc lớn hơn.

Quy hoạch phát triển vận tải biển đặt ra mục tiêu: khối lượng hàng hóa do đội tàu Việt Nam đảm nhận từ 140 đến 153 triệu tấn vào năm 2020 và 237 đến 270 triệu tấn vào năm 2030; phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng như tàu container, hàng rời, hàng lỏng và tàu có trọng tải lớn.

nhunghv

Nguồn: Vinalines

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)