Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nghiên cứu để triển khai lắp đặt wifi trên tất cả đoàn tàu khách Bắc-Nam trong năm nay
Các đoàn tàu Bắc-Nam sẽ được triển khai lắp đặt wifi trong năm 2019. (Ảnh: Vietnam+)
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ triển khai lắp đặt wifi trên tàu và nhắn tin tới hành khách khi ngành đường sắt có sự cố xảy ra để “thượng đế” có sự chủ động trong đi lại.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, hiện nay, đường sắt Việt Nam mới chỉ làm thí nghiệm nhỏ lẻ trong việc lắp wifi trên tàu. VNR đang đàm phán với Mobifone, Viettel khảo sát, nghiên cứu để triển khai, sau đó sẽ đấu thầu đơn vị để lắp đặt. Năm 2019, ngành đường sát sẽ lắp wifi trên tất cả đoàn tàu khách Bắc-Nam.
Theo ông Minh, ngành đường sắt không quá cầu toàn 100% phủ sóng mà sẽ có vùng lõm bởi địa hình đoàn tàu nhiều lúc đi trong hầm, sườn núi nên sóng sẽ có khả năng bị ảnh hưởng. Tới đây, VNR chuẩn bị tiếp xúc và chào hàng đối tác để giải quyết bài toán trên vì hiện đã có công nghệ cải tiến xử lý được vấn đề này.
Đề cập đến thông tin nhiều hành khách cũng tỏ ra bức xúc khi tàu chậm giờ đến ga do có sự cố xảy ra và trong việc chờ đợi để lên tàu, ông Minh cho rằng, ngoài việc thông báo trên tivi, nhà ga, phương tiện truyền thông, VNR đang yêu cầu phía Công ty FPT tích hợp hệ thống bán vé để phân loại khách từng cung chặng, từng mác tàu, giờ đến đi tại ga đưa vào mỗi nhóm riêng biệt để khi có sự cố tàu về chậm thì chỉ cần nhắn tin đến số điện thoại đến hàng khách giống như hàng không để từ đó có sự chủ động trong việc đi lại đến ga.
Thừa nhận ngành hàng không dễ làm được điều này bởi hệ thống phân loại khách dễ dàng do một chuyến bay chỉ có điểm đầu và cuối, Chủ tịch VNR cho biết, đường sắt có nhiều cung chặng, lên và xuống tại nhiều điểm. Chưa kể, có hành trình không phải đoàn tàu chậm mà chỉ chậm một số điểm vì phụ thuộc vào việc xử lý sự cố đường sắt.
Đơn cử, những năm trước đây, khi thời tiết lũ bão, tàu vẫn chạy bình thường với phương châm phục vụ khách nhưng như thế là không an toàn và chất lượng dịch vụ lại đi xuống do phải chờ thông đường. Tuy nhiên, từ năm 2018, ngành đường sắt lần đầu tiên điều chỉnh giờ tàu từ ga xuất phát, thông báo trước cho hành khách trước 6 tiếng từ ga xuất phát, không cho tàu đi vào tâm bão sẽ giảm các chi phí phục vụ, tránh lỗ.
“VNR đang nỗ lực quản lý để chi phí vận tải thấp nhất, khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra sẽ lập phương án chuyển tải và giải phóng đường càng nhanh càng tốt,” ông Minh khẳng định.
Được biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu năm 2019 sản lượng tăng 8% so với năm 2018, doanh thu tăng từ 7% trở lên dù vấp phải sự cạnh tranh ngày càng tăng từ hàng không giá rẻ và đường cao tốc về vận tải hành khách cũng như vận tải biển, đường thủy đối với hàng hóa.
Để đạt thành công, VNR xác định sẽ chuyển hướng phát triển thời gian tới, không chạy theo phục vụ số lượng khách mà nâng cao chất lượng phục vụ; thay đổi đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực vận tải; thay vì tập trung vào khai thác tàu khách đường dài sang các tuyến trung bình hiệu quả cao…
Từ nay đến năm 2020, ngành đường sắt sẽ thay thế dần các chủng loại đầu máy, toa xe lạc hậu kỹ thuật, công suất nhỏ (100 đầu máy mới, 150 toa xe khách, 300 toa xe vận chuyển container và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60km/giờ) với tổng kinh phí 4.700 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác…/.