Năm 2018, Vietnam Airlines đạt doanh thu xấp xỉ 100.000 tỷ đồng cùng mức lãi “khủng” hơn 3.300 tỷ đồng.
Vietnam Airlines có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu
cao hơn bình quân các hãng hàng không truyền thống
Kỷ lục doanh thu
Bằng các giải pháp tăng cường kiểm soát, điều hành tải cung ứng phù hợp nhu cầu thị trường, tối ưu hóa hiệu quả khai thác, nâng cao doanh thu trung bình, nâng cao hệ số sử dụng ghế và tiết giảm chi phí, VNA đạt tổng doanh thu hợp nhất kỷ lục xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 36,8% so với kế hoạch và tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong đó, công ty mẹ đóng góp 73.227 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,8% so với cùng kỳ và 2.418 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Các chỉ số tài chính chủ yếu (thực hiện) được cải thiện đáng kể so với tài khoá 2017 cũng như so với kế hoạch năm 2018.
Điển hình là tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu (ROS) đạt 2,68%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 14,39%. Theo báo cáo ngành hàng không của phòng phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VNA có tỷ lệ ROE cao hơn so với bình quân các hãng hàng không truyền thống (FSC) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiệu quả kiểm soát chi phí gây ấn tượng ở tỷ lệ chi phí quản lý và chi phí bán hàng trên doanh thu giảm trong 3 năm trở lại đây, từ mức 9,56% (năm 2016) xuống 7,61% (năm 2018). Về an toàn tài chính, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu năm 2018 ở mức 2,58 lần, giảm so với kế hoạch, đồng thời giảm khá mạnh so với tỷ lệ 5,13 lần năm 2015. “Tỷ lệ nợ vay giảm nhờ vào nguồn khấu hao lớn từ đội bay (4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm), lợi nhuận để lại tốt và nguồn thu từ phát hành tăng vốn điều lệ”, BVSC đánh giá.
Tính thanh khoản tại VNA cũng được cải thiện đáng kể với khả năng thanh toán nhanh được đưa lên mức cân bằng với năm 2017 (0,17 lần), cao hơn kế hoạch 0,10 lần. Số dư tiền đồng cuối kỳ đạt 4.252 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ so với kế hoạch, và cao hơn chỉ số năm 2017.
Mục tiêu vận chuyển 24,9 triệu khách trong năm 2019
Trong năm vừa qua, thị trường hàng không đối mặt không ít khó khăn, điển hình là việc giá nhiên liệu liên tăng cao từ đầu năm (chỉ giảm từ tháng 11), bình quân năm ở mức 85,1 USD/thùng, khiến chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng. Bên cạnh đó, tỷ giá các đồng tiền chủ chốt (JPY, CNY, EUR, AUD,...) cũng ghi nhận xu hướng đi xuống vào nửa cuối năm 2018 gây rủi ro biến động tỷ giá.
Ngoài ra, thị trường hàng không nội địa tiếp tục tăng trưởng chậm lại với mức 6,9% sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ về khách từ 2013-2016. Thêm vào đó, sức ép cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ thuần tuý gia tăng đáng kể ở cả thị trường nội địa, quốc tế, và cho thuê chuyến cũng là thách thức cho một hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ (Full Service Carrier - FSC) như VNA.
Tuy nhiên, theo báo cáo ngành hàng không cập nhật quý 1/2019 của BVSC, trên nền tảng lợi nhuận sau thuế của VNA được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng lần lượt 7% và 15% trong năm 2019. VNA cũng đặt tham vọng trong năm nay, doanh thu hợp nhất sẽ vượt mốc 100.000 tỷ đồng, cụ thể đạt hơn 111.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt xấp xỉ 3.400 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ phấn đấu đạt mục tiêu hơn 82.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,7% so với năm 2018 và gần 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,9% so với năm 2018. Sản lượng vận chuyển dự kiến đạt 24,9 triệu khách trong năm 2019.