Chiến dịch kiểm tra tập trung diễn ra từ 1/9-30/11/2019 tại cảng biển các quốc gia tham gia Paris MOU và Tokyo MOU.
Ảnh minh họa
Ngày 26/6, Cục Đăng kiểm VN cho biết, Ủy ban của Tổ chức các quốc gia tham gia bản ghi nhớ Paris về kiểm soát của chính quyền cảng (Paris MOU) và Tổ chức các quốc gia tham gia bản ghi nhớ Tokyo về kiểm soát của chính quyền cảng (Tokyo MOU) vừa đồng ý phối hợp tiến hành chiến dịch kiểm tra tập trung năm 2019 về các hệ thống và quy trình khẩn nguy của tàu biển hoạt động tuyến quốc tế, từ ngày 1/9 - 30/11/2019.
Mục đích của chiến dịch kiểm tra tập trung nhằm khẳng định sự tuân thủ các yêu cầu về sự sẵn sàng của các trang thiết bị khẩn nguy trên tàu và thuyền viên có khả năng ứng phó các tình huống khẩn nguy. Theo thông lệ quốc tế, trường hợp thuyền viên, tàu biển không vượt qua được bài kiểm tra, tàu sẽ bị chính quyền cảng nơi kiểm tra lưu giữ để khắc phục xong mới cho rời cảng.
“Trong quá trình kiểm tra tàu biển, các nhân viên kiểm tra của chính quyền cảng sẽ sử dụng bảng câu hỏi để kiểm tra thuyền viên. Dự kiến, bảng câu hỏi sẽ được Paris MOU và Tokyo MOU công bố trong tháng 8/2019”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, để hỗ trợ các chủ tàu biển, công ty quản lý tàu chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch kiểm tra tập trung nói trên, đơn vị này đã soạn thảo "Danh mục kiểm tra đối với các hệ thống và quy trình khẩn nguy" đăng trong mục "Thông báo kỹ thuật tàu biển" trên trang điện tử của Cục Đăng kiểm VN.
Cục Đăng kiểm VN khuyến nghị các tàu sử dụng danh mục trên để tự kiểm tra, nhằm mục đích phát hiện và giải quyết thỏa đáng các khiếm khuyết có thể có liên quan đến các hệ thống và quy trình khẩn nguy hiện có của tàu, làm giảm rủi ro tàu bị lưu giữ trong chiến dịch kiểm tra tập trung nói trên.
Được biết, nội dung báo cáo năm 2018 của Tokyo MOU được công bố tháng 4/2019 tiếp tục xếp đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế vào “Danh sách trắng” về tỷ lệ tàu bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài. Năm 2018, tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ (tính trên số lượt bị kiểm tra) là 2,96%, ngang bằng với tỷ lệ tàu bị lưu giữ trung bình của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là tỷ lệ bị lưu giữ thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2016 là 4,04% và năm 2017 là 3,55%) và là năm thứ 5 liên tiếp đội tàu biển Việt Nam được xếp trong danh sách “trắng” của Tokyo MOU.