Các công ty hoa tiêu kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung giá dịch vụ với tàu nước ngoài được cấp giấy phép vận tải nội địa...
Cục Hàng hải đang nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu phù hợp với từng
đối tượng tàu biển để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các đơn vị hoa tiêu - Ảnh minh họa
Theo phản ánh của các công ty hoa tiêu, hiện nay, một số tàu nước ngoài được cấp giấy phép vận tải nội địa và một số tàu công trình được phép vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, cầu bến, phao neo, lai dắt và giá dịch vụ bốc dỡ container chưa có quy định cụ thể đối tượng tính giá dịch vụ hoa tiêu đối với loại tàu này. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung để các công ty hoa tiêu có cơ sở áp dụng giá dịch vụ phù hợp.
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết đã tiếp nhận ý kiến của các công ty hoa tiêu và đang đề xuất Bộ GTVT xây dựng một văn bản quy định với tàu treo cờ nước ngoài chạy tuyến nội địa Việt Nam.
“Hiện tại, các tàu nước ngoài chạy tuyến nội địa Việt Nam vẫn đang được áp dụng mức giá dịch vụ hoa tiêu như tàu treo cờ Việt Nam chạy nội địa (từ 22,5 đến 60 đồng/GT/hải lý tùy khu vực; Riêng khu vực dàn khoan dầu khí, cảng dầu khí ngoài khơi từ 135 - 150 đồng/GT). Nếu tiếp tục áp dụng khung giá này, tàu treo cờ nước ngoài sẽ được hưởng lợi vì bản thân tàu ngoại khi hoạt động đã lợi thế khi mua xăng, dầu với giá rẻ hơn tàu Việt. Khi giá nhiên liệu được ưu đãi cộng với giá lai dắt, hoa tiêu rẻ, tàu treo cờ nước ngoài chạy tuyến nội địa sẽ có lợi thế hơn tàu nội. Do đó, Cục Hàng hải sẽ nghiên cứu, kiến nghị áp dụng giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt và xếp dỡ container với loại tàu này như tàu nước ngoài chạy tuyến quốc tế”, ông Thu cho hay.
Cũng theo ông Thu, từ đầu năm 2019 đến nay, tất cả DN cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải đều đều áp dụng mức giá bằng giá tối đa trong khung giá quy định tại Thông tư số 54/2018 và thực hiện việc kê khai, niêm yết với các cơ quan quản lý nhà nước, duy trì ổn định theo mức giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải năm 2018.
Tuy nhiên, do đặc thù khu vực hoạt động, một số công ty có mức doanh thu cao, hoạt động có lãi (như Công ty Hoa tiêu I, Công ty Hoa tiêu II, Công ty VTB Vũng Tàu và Công ty Hoa tiêu Tân cảng).
Ngược lại, một số công ty hoạt động tại khu vực cảng biển có nhiều tàu nội địa gặp rất nhiều khó khăn (Công ty Hoa tiêu VII, Công ty Hoa tiêu VIII, Công ty Hoa tiêu IX).
"Tại các khu vực này, một chuyến dẫn tàu chi phí có thể đến vài triệu đồng, hoa tiêu lại mất thời gian chờ đợi tàu nhưng việc dẫn tàu nội nhiều khi chỉ thu được 500.000 đồng. Thời gian tới, Cục Hàng hải VN cũng sẽ đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, điều chỉnh giá hoa tiêu phù hợp để gỡ khó cho DN", ông Thu nói.