Ngày 26/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký Công điện số 50/CĐ-BGTVT các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân năm 2020.
Theo đó, Công điện nêu rõ, để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân năm 2020, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; kiểm tra, rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, đặc biệt là các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các trạm thu phí BOT, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc;
Có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; các nút giao giữa đường phụ ra đường chính; có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài; đồng thời thành lập và duy trì bộ phận ứng trực để bảo đảm giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội xuân năm 2020…
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tăng cường xử lý vi phạm ATGT trong dịp Tết, nhất là đối với vận tải khách
(Ảnh: Báo Giao thông)
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp kiểm tra các tuyến vận tải ven biển, đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; đồng thời chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa phối hợp với Cảng vụ Hàng hải, Thanh tra Sở GTVT và các lực lượng chức năng (Biên phòng, Cảnh sát biển...) để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo khi có hiện tương thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển của tàu thuyền.
Cục Đường sắt Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; Chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt tăng cường kiểm tra tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt theo thẩm quyền; đồng thời chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, công tác phục vụ vận tải đường sắt tại các doạnh nghiệp kinh doanh đường sắt.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình, hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, đặc biệt là tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông tại sân bay và khu vực lân cận…
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam xây dựng phương án tổ chức đưa, đón hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế tối đa ùn tắc giao thông tại các đầu mối giao thông trọng điểm (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài..); bố trí nhân lực để bảo đảm an toàn và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong các ngày cao điểm trước, trong và sau Tết; đồng thời cung cấp thông tin để hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi;
Các hãng hàng không Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng của hành khách và đặc biệt hành, khách là người cao tuổi, người khuyết tật; xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đổi mới phương thức bán vé và kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải và các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực cảng hàng không, đặc biệt là tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Vietnam Airlines Group tăng thêm 230.000 chỗ phục vụ Tết Nguyên đán
(Ảnh minh họa)
Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện xe khách giường nằm, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tầu cao tốc.
Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tăng cường phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và chính quyền địa phương kiểm tra các tuyến vận tải ven biển, đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo theo thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương có liên quan tổ chức giao thông, phân luồng hợp lý đối với những khu vực có mật độ tàu thuyền ra vào cao; giám sát chặt chẽ việc đón trả và dẫn tàu của hoa tiêu, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn hàng hải, đặc biệt là các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo khi có hiện tương thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển của tàu thuyền. Chỉ đạo các doanh nghiệp cảng biển tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xếp hàng hóa đúng tải trọng phương tiện.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương án thiết kế tổ chức thi công đã được duyệt, có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông do việc thi công các công trình; thành lập và duy trì bộ phận ứng trực để bảo đảm giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội xuân năm 2020.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra; tiếp tục vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia cảnh giới để bảo đảm an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; kiểm tra chất lượng phương tiện chở khách, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới, chốt gác cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua; gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu để xảy ra mất ATGT…
Các Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; kiểm tra, rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, đặc biệt là các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng họp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; Ga Sài Gòn, Ga Hà Nội; Bến xe Miền Đông...); có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp vói các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông; đồng thời thành lập và duy trì bộ phận ứng trực để bảo đảm giao thông trong dịp Tet Dương lịch, Tết Nguỵền đán Canh Tý và mùa Lễ hội xuân năm 2020; Tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng để kết nối và hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện tại các đầu mối giao thông tập trung lượng hành khách lán như: nhà ga đường sắt, cảng hàng không, bến xe, bến tàu…
Các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội xuân năm 2020, khi có diễn biến đột xuất hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng phải có báo cáo tổng hợp gửi về Bộ Giao thông vận tải (qua Văn phòng Bộ, Vụ An toàn giao thông, Vụ Vận tải) và địa chỉ email: vanthu. atgt@mt. gov.vn; vpbaocao@mt. gov.vn; vuvantai@mt. gov. vn.
"Các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội xuân năm 2020; Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông; kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn, vướng mắc xảy ra", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
Toàn văn Công điện số 50/CĐ-BGTVT xem Tại đây!