Rà soát, hoàn thiện văn bản quy định về hoạt động của tàu VR-SB

Thứ sáu, 21/02/2020 09:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 20/2, tại Hội nghị bàn về công tác quản lý tuyến vận tải ven biển dành cho tàu sông pha biển (SB), Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất cần ban hành nghị định hoặc thông tư riêng để quản lý hoạt động vận tải ven biển dành cho tàu này.

Hội nghị về công tác quản lý tuyến vận tải ven biển
do Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam tổ chức vào ngày 20/2.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau 5 năm mở tuyến, hiện có 1.786 phương tiện mang cấp VR-SB đang hoạt động, trong đó phương tiện chở hàng là 839 chiếc. Trong 839 phương tiện chở hàng có 210 phương tiện hạ cấp từ tàu biển; 279 phương tiện được nâng cấp từ phương tiện thủy nội địa cấp VR-SI, VR-SII (tàu biển hạn chế I, hạn chế II) và 350 phương tiện được đóng mới.

Thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, trong 5 năm qua, tổng khối lượng vận chuyển đạt trên 144 triệu tấn, tính bình quân số hàng hóa đã chuyên chở đạt 2,182 triệu tấn/tháng, tương đương 72,76 nghìn xe ô tô loại 30 tấn/tháng; đã có 131.498 lượg tàu sông pha biển vào, rời các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa năm từ tháng 72014 đến hết 2019 là 204%/năm.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đánh giá, trên tuyến vận tải ven biển hiện nay, nhiều quy định và tiêu chuẩn chưa đáp ứng được thực tiễn, gây nên những bất cập trong công tác quản lý nhà nước cũng như ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, những quy định, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn trong quá trình hành hải của phương tiện, trong đó có nơi tránh, trú bão chưa phù hợp với thực tiễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Hiện nay, tai nạn liên quan tới tàu SB có số người thương vong ít là do nhiều yếu tố tác động tích cực như công tác cứu nạn hàng hải.

“Tàu VR-SB nhận được nhiều ưu đãi để phát triển, tạo ra hiệu quả kinh tế rất lớn, nhưng đi kèm với đó, sự an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Phải có an toàn mới thực sự mang tới hiệu quả bền vững”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực I (Cục ĐTNĐ Việt Nam)
kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện vận tải VR-SB.

Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I Văn Trọng Dũng  cho rằng việc hạ cấp tàu biển xuống tàu SB hiện nay giúp tàu SB có thể chở thêm tải so với tàu biển. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro xuất phát từ thiết kế kết cấu của tàu không đảm bảo. Những quy định hiện nay chưa rõ ràng nên công tác quản lý gặp khó.

Cùng với đó, yếu tố con người cũng rất quan trọng. Trong khi tuyến phát triển quá nóng thì nguồn nhân lực cũng phát triển nóng theo. Đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên được đào tạo chưa thực sự giỏi, khả năng và kinh nghiệm đi biển chưa đáp ứng được sự chuyên nghiệp so với trước đây.

“Qua quá trình kiểm tra chúng tôi thấy lỗi do con người còn rất nhiều. Việc nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực sẽ hạn chế rất nhiều tai nạn”, Giám đốc Văn Trọng Dũng cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, phương tiện VR-SB phát triển nhanh về cỡ tàu, quy mô đội tàu so với quy hoạch của Bộ GTVT. Cục ĐTNĐ Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT ban hành Nghị định hoặc Thông tư riêng quy định về hoạt động của tàu VR-SB trên tuyến vận tải ven biển, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với loại tàu này.

Phong Vũ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)