Bộ GTVT vừa có Công văn số 2242/BGTVT-VT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Y tế Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, cụ thể: (i) Cả nước đã có 34 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) do vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm. Các chủng vi rút cúm này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người; (ii) Có hơn 100 ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 09 tỉnh, làm hàng nghìn con gia súc mắc bệnh và hằng trăm con gia súc bị chết; (iii) Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra rất trầm trọng vào năm 2019, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và làm ảnh hưởng lớn chỉ số CPI. Thời gian qua, mặc dù bệnh DTLCP đã được kiểm soát và giảm mạnh nhưng nguy cơ tiếp tục xảy ra là rất cao vì chưa có thuốc điều trị, vắc xin phòng bệnh trong khi các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC, LMLM, DTLCP; kiên quyết không để các loại dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (Covid-19) trên người đang diễn ra hết sức phức tạp, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành thực hiện tốt các công việc sau đây:
Kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải hàng hóa; phương tiện, dụng cụ chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm và thức ăn chăn nuôi vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt trước và sau mỗi lần chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm, trước khi ra vào cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, chợ buôn bán, điểm tập kết, thu gom gia cầm, khu vực tiêu hủy gia cầm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm trên các phương tiện vận tải hành khách đặc biệt tại các bến xe, bến tàu, nhà ga, bến cảng.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng chống dịch của ngành Y tế, Công an, Thú y, Quản lý thị trường, Hải quan, để kiểm tra, giám sát đối với phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách tại các đầu mối giao thông, trên các tuyến giao thông, cửa khẩu Quốc tế.
Xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên./.