Nhiều cảng biển vẫn đang phải chi hàng tỷ đồng phí gửi container hàng phế liệu tồn đọng vô chủ.
Hàng nghìn container vô chủ tồn đọng tại cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng)
Cùng với việc sản lượng hàng hóa, doanh thu sụt giảm do tác động của dịch Covid-19, nhiều cảng biển vẫn đang phải chi hàng tỷ đồng phí gửi container hàng phế liệu tồn đọng vô chủ.
Thiệt hại kép
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng) chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua khối cảng của Gemadept tại Hải Phòng liên tục sụt giảm, trong đó, có bến cảng giảm tới 60 - 70% khiến DN thiệt hại cả trăm tỷ đồng từ dịch vụ khai thác, xếp dỡ.
“Nặng nề hơn, hiện mỗi tháng các DN cảng còn phải chi trả tiền tỷ cho các lô container hàng phế liệu tồn đọng. Theo thống kê, cảng Nam Hải - Đình Vũ đang là một trong những cảng có số lượng container tồn đọng lớn nhất với khoảng hơn 1.000 container, chủ yếu là mặt hàng lốp xe cũ”, ông Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, để giải phóng kho, bãi, duy trì hoạt động tiếp nhận hàng hóa, cảng phải di chuyển số container này đến cảng cạn (ICD) để gửi tạm. Ước tính, trong 3 tháng đầu năm 2020, cảng đã “mất oan” không dưới 5 tỷ đồng cho container phế liệu. “Tính chung khoảng 3 năm nay, chi phí lưu bãi cảng phải trả cho cảng cạn lên đến 800.000 USD. Tính cả chi phí vận chuyển từ cảng biển sang ICD khoảng hơn 200.000 USD nữa, cảng mất tới cả triệu USD vì số container tồn đọng này”, ông Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, từ giữa năm 2019, cảng Nam Hải - Đình Vũ đã áp dụng chính sách giảm chi phí lưu kho, bãi cho DN xuất nhập khẩu. Mức giảm phí dao động từ 50 - 70%, những container hàng giá trị thấp như giấy, cảng chấp nhận miễn hoàn toàn phí gửi. Tuy vậy, số lượng container rút ra rất ít, trung bình 100 container/tháng, đa số là mặt hàng nhựa phế liệu. Thậm chí, trong hai tháng trở lại đây, lượng container phế liệu lại nằm bất động, không có chủ hàng nào đến làm thủ tục lấy hàng.
Tại khu vực phía Nam, cảng Cát Lái cũng đang “dở khóc dở cười” ứng phó với hàng nghìn container tồn đọng. Đại diện cảng Tân Cảng - Cát Lái cho biết, tính đến ngày 31/3, cảng này có tổng cộng 2.111 container tồn đọng. “Để có bãi xuất nhập hàng hóa, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phải chủ động đề xuất và được sự chấp thuận của Cục Hải quan TP HCM cho chuyển lượng hàng tồn từ cảng Cát Lái qua cảng Tân Cảng Hiệp Phước lưu giữ. Tổng số đã thực hiện chuyển 68 chuyến sà lan từ cảng Cát Lái qua cảng Tân Cảng Hiệp Phước với chi phí cả trăm nghìn USD. Hiện tại, riêng tại cảng Cát Lái vẫn còn 839 container quá hạn.
Tìm phương án xử lý
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện tại, số lượng container tồn đọng tại cảng biển khai báo là phế liệu và hàng đã qua sử dụng nhập khẩu còn chưa tới 10.000 container. Tính đến cuối tháng 2/2020, số container tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày tại cảng biển Việt Nam là 3.423 container, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019 (hơn 9.800 container).
Trước những khó khăn đang gặp phải, đại diện cảng Cát Lái kiến nghị, thời gian tới, cơ quan hải quan chấp thuận cho cảng chuyển các container tồn lâu ngày đã qua phân loại, kiểm kê đi các cơ sở khác để lưu trữ như tại: ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch, ICD Tân Cảng - Long Bình (Đồng Nai) để cảng có diện tích kho, bãi quay vòng; Đồng thời, cho phép khách hàng giao nhận trực tiếp tại nơi lưu trữ để giảm chi phí chuyển qua lại.
“Bộ Công thương cũng cần kiên quyết, có biện pháp buộc các hãng tàu phải chịu trách nhiệm tái xuất đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam”, đại diện này nói.
Về phía cảng Nam Hải - Đình Vũ, ông Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng áp dụng chính sách giãn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất cho vay đối với DN vừa chịu tác động của dịch Covid-19, vừa chịu tổn thất do hàng hóa tồn đọng, chưa có phương án xử lý, giúp DN có nguồn lực phục hồi và duy trì sản xuất.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 22/10/2019, đơn vị này đã có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xác minh, thông báo tìm chủ hàng đối với các lô hàng tồn đọng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan; Kiểm kê hàng hóa tồn đọng để xác định số hiệu container, loại container, số vận đơn, tên hàng, vị trí lưu giữ, Chi cục Hải quan quản lý, số ngày lưu giữ, tên tàu/tên hãng tàu vận chuyển… Từ đó, phân loại để xác định chủng loại hàng hóa tồn đọng và báo cáo về Tổ công tác liên ngành qua Tổng cục Hải quan để hướng dẫn xử lý.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Hải quan các địa phương đã hoàn thành việc thông báo tìm chủ, kiểm kê hàng hóa tồn đọng và đang tiếp tục phân loại để xác định chính xác chủng loại hàng hóa trước khi báo cáo Tổng cục Hải quan để có phương án xử lý tổng thể”, đại diện đơn vị này thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 kéo dài đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản lý. Song, đây được xem là “cơ hội vàng” để xử lý hàng tồn đọng khi hàng hóa về cảng biển đang bị giảm sút/chững lại. Công tác nhập khẩu cũng tránh được tình trạng chồng chéo.
“Các cơ quan chức năng cần tranh thủ thời gian này đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, phân loại. Container phế liệu nào đáp ứng tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất thì cho chủ hàng rút ra ngay (kể cả cùng lô hàng với một số container không đủ tiêu chuẩn). Trường hợp vô chủ thì lên phương án tổ chức đấu giá. Container hàng nào vi phạm quy chuẩn về môi trường, lập tức báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tổ chức tiêu hủy hoặc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định”, ông Tương nói.