Cảng vụ hàng hải TP.HCM đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp để vận tải hàng hóa qua cảng biển không bị ngưng trệ bởi dịch Covid-19.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM trao quà của đơn vị đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM
nhằm chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Lên kịch bản ứng phó nhiều tình huống
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải (CVHH) TP.HCM cho biết, cảng biển TP.HCM là một trong những khu vực có lưu lượng tàu thuyền cao nhất cả nước. Vì vậy, ngay từ thời điểm dịch bùng phát, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động quản lý, vận tải hàng hải.
Trong đó, cảng vụ đã cấp phát khẩu trang, dung dchj sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, lưu trữ thông tin cá nhân của người liên hệ công tác... Đặc biệt, viên chức phải ra hiện trường, tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên làm việc trên tàu thuyền được trang bị đồ phòng hộ y tế chuyên dụng.
Đối với công tác quản lý tàu, thuyền ra - vào, cảng vụ đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế TP.HCM cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đối với tàu thuyền nhập cảnh khi vừa đến phao số 0 luồng hàng hải, chỉ chấp thuận cho tàu, thuyền hành trình vào hoạt động tại khu vực vùng nước cảng biển sau khi đã được Trung tâm kiểm dịch kiểm tra, xác nhận thông tin không có nguy cơ nhiễm dịch Covid-19.
“Ngay sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do Covid-19, CVHH TP.HCM chủ động đề nghị Bộ Chỉ huy biên phòng thành phố không cấp phép đi bờ đối với thuyền viên trên các tàu có kế hoạch đến cảng biển Việt Nam đã ghé qua các cảng biển thuộc Trung Quốc trong 14 ngày trước đó và thuyền viên làm việc trên các tàu biển khác có quốc tịch Trung Quốc được điều động xuống tàu làm việc trong khoảng thời gian 14 ngày, các thuyền viên đang làm việc trên tàu biển đó”, ông Nam thông tin.
Đặc biệt, ông Nam cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị cấp bách phòng chống dịch Covid-19, CVHH TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp (DN) chủ tàu không để thuyền viên đi bờ, hạn chế tối đa việc thay đổi thuyền viên; Đề nghị chủ tàu, DN vận tải biển đo thân nhiệt mọi hành khách trước khi lên phương tiện, khai báo y tế điện tử theo đúng khuyến cáo của cơ quan y tế.
Cảng vụ cũng chủ động lên kịch bản với những tình huống dự kiến phát sinh và phương án phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển khi phải thực hiện các hoạt động cách ly, đảm bảo cho hoạt động của cảng vụ và hoạt động vận tải hàng hóa tại cảng biển thông suốt, liên tục.
Hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh
Xác định dịch Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao trong quá trình tiếp xúc, làm việc trực tiếp khi giải quyết thủ tục hành chính, hơn 2 tháng qua, CVHH TP HCM cũng đã đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử.
“Sau khi tiếp nhận chỉ đạo Cục Hàng hải VN, cảng vụ đã thông báo cho các chủ tàu, DN cảng biển, đại lý tàu biển đẩy mạnh áp dụng thủ tục điện tử đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB và phương tiện thủy nội địa xuất, nhập cảnh đi Campuchia. Hồ sơ tàu, thuyền, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên đều được Cảng vụ hướng dẫn, cung cấp địa chỉ thư điện tử cụ thể để được giải quyết kịp thời. Ngoài ra, kể từ tháng 10/2019, cảng vụ đã triển khai biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử, đồng thời đẩy mạnh phương thức thanh toán điện tử.
Đối với các thủ tục hành chính chưa được thực hiện bằng phương thức điện tử, đơn vị yêu cầu hạn chế tối đa việc nộp hồ sơ trực tiếp, khuyến khích gửi thủ tục qua đường bưu chính và tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến hồ sơ qua Email, Zalo, Viber…”, ông Nguyễn Hải Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, với việc triển khai đồng loạt các giải pháp, trong quý 1/2020, CVHH TP.HCM đã phối hợp kiểm soát chặt chẽ 4.845 lượt tàu biển, 19.953 lượt phương tiện thủy nội địa và chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm dịch bệnh.
Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển đạt hơn 30,3 triệu tấn, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng TEUs của hàng container qua khu vực cảng biển TP HCM tăng 2,57% (hơn 1,5 triệu TEUs), sản lượng hàng khô tăng 3,9%, hàng lỏng giảm 9,98%.
“Để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, CVHH TP.HCM đã đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố thiết lập chốt kiểm soát đường bộ trên tuyến đường bộ ra vào cảng biển.” ông Nam nói.