Đêm ngày 28/4, rạng sáng ngày 29/4, những phiến dầm cuối cùng của Dự án đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được “hợp long”.
Trắng đêm bắc nhịp cầu cuối cùng của Dự án Mai Dịch – Nam Thăng Long.
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xem là “lời giải” cho bài toán giải quyết ách tắc ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô và là điều kỳ vọng lớn của tất cả người dân đối với Dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội. Trong nỗ lực gấp rút đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng, đến đêm ngày 28/4, nhịp cuối cùng của cầu cạn đã bắt đầu được hợp long. Nhịp cuối cùng này thuộc gói thầu số 1 của liên danh nhà thầu Cienco 4 – Sumitomo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Dự án, Giám đốc điều hành Gói thầu số 1 của Cienco 4 cho biết, nhịp cuối cùng này có tổng chiều dài 40m. Trong đêm 28/4, rạng sáng 29/4, 5 phiến dầm đã được lắp đặt và trong đêm 29/4, do điều kiện vừa thi công vừa đảm bảo giao thông đêm 29, rạng sáng 30/4, 5 phiến dầm còn lại sẽ được lắp đặt, hoàn thành toàn bộ việc kết nối nhịp cuối cùng của cầu cạn.
Việc nâng những phiến dầm được thực hiện bằng công nghệ hiện đại hàng đầu hiện nay đó là sử dụng xe cẩu ở hai đầu để nâng phiến dầm lên. Công nghệ này giúp cho việc thi công trở nên rất nhanh, hiệu suất cao, đặc biệt là an toàn, hiệu quả hơn. Cụ thể là thời gian lao 1 phiến dầm chỉ mất từ 30 đến 45 phút, trong một đêm có thể nâng và ghép thành công 5 phiến dầm. Trong khi trước đây hoặc tại một số công trình đang thi công khác, công nghệ cũ phải mất vài ngày.
Chia sẻ về quá trình thi công nhịp cuối cùng, ông Phí Kim Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đa quốc gia nhấn mạnh: “Toàn bộ quá trình liên kết dầm đều đảm bảo an toàn tuyệt đối và độ chính xác cao. Đây là sự khéo léo và chuẩn xác của toàn bộ đội ngũ thi công. Đặc biệt là việc hiệu chỉnh chính xác từng milimet khi đặt phiến dầm, gối cầu,…”
Ngoài việc sử dụng phương tiện nâng phiến dầm hàng đầu, quá trình thi công huy động 20 nhân công vận chuyển phiến dầm và 20 nhân công lắp đặt vào vị trí, tất cả gồm các kỹ sư an toàn và công nhân vận hành.
Quá trình vận chuyển phiến dầm từ cơ sở đúc đến công trường khoảng 2 tiếng và sử dụng phương tiện vận chuyển siêu trường – siêu trọng hiện đại hàng đầu hiện nay được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, đảm bảo các tiêu chí về an toàn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Trong khoảng 1 năm qua, đơn vị đã vận chuyển tổng cộng 1.131 lượt phiến dầm cho toàn bộ cây cầu.
Phương tiện vận chuyển dầm này là tổ hợp hệ thống xe đầu kéo và rơ moóc kết nối với nhau thông qua chính phiến dầm được vận chuyển. Tổng chiều dài đoàn xe vận chuyển khoảng 50m với tổng trọng tải 154 tấn. Ngoài đội ngũ 20 công nhân bảo đảm vận chuyển an toàn của đơn vị còn có khoảng 20 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông dẫn đường, điều tiết giao thông, đảm bảo ATGT cho đoàn xe.
Được biết, Dự án cầu cạn Vành đai 3 khởi công vào đầu năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và gần 823 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài hơn 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,836km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T là hơn 4,4km. Quy mô dự án có thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, 2 dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa,… đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.
Khi Dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thông tuyến sẽ kết nối liên thông tuyến Vành đai 3 trên cao đã đưa vào khai thác, hoàn thiện dự án tuyến đường vanh đai khép kín, kết nối sân bay Nội Bài với các khu vực lân cận.
V.T