Ông Hồ Liên Nam, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn cho biết, vào 6 giờ sáng 3/6, cảng Quy Nhơn khai trương tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ cảng Quy Nhơn đi các nước khu vực Đông Bắc Á.
Cầu cảng bốc xếp container của cảng Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Cụ thể, ông Hồ Liên Nam thông tin, thời gian vừa qua để mở rộng sản xuất kinh doanh, cảng Quy Nhơn đã xúc tiến mở nhiều tuyến dịch vụ vận tải mới; trong đó, có việc mở tuyến dịch vụ trực tiếp từ cảng Quy Nhơn đi Đông Bắc Á nhằm kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo đánh giá của ông Hồ Liên Nam, hiện lượng hàng hóa tại hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á rất phát triển nên việc mở tuyến dịch vụ trực tiếp từ cảng Quy Nhơn đi các khu vực trên rất tiềm năng. Hàng hóa xuất khẩu từ Quy Nhơn chủ yếu là xăm gỗ, viên gỗ nén, tinh bột sắn lát. Mặt hàng này chiếm tới 60% lượng hàng xuất của cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên, một số mặt hàng có giá trị cao là hàng trái cây chuyên chở đông lạnh lâu nay không có tuyến trực tiếp để khai thác nên gặp nhiều bất lợi. Chẳng hạn như trước đó chủ hàng muốn xuất khẩu mặt hàng này thường phải đi qua Singapore sau đó mới có tuyến đi ngược trở lại khu vực Đông Bắc Á. Điều này dẫn đến kéo dài thời gian vận chuyển làm giảm giá trị của mặt hàng xuất khẩu có đặc thù như hoa quả. Việc này cũng làm tăng chi phí vận chuyển.
“Như vậy, nếu khai thác tốt được tuyến dịch vụ trực tiếp từ Quy Nhơn đi Đông Bắc Á sẽ giải quyết được những bất cập trên, đồng thời mở ra nhiều hướng khai thác thị trường mới cho cảng”, ông Hồ Liên Nam phân tích.
Thời gian ban đầu mỗi tháng tuyến dịch vụ này sẽ vận chuyển khoảng 1.400 container tương đương khoảng từ 17.000-19.000 tấn hàng hóa. Dự kiến, giai đoạn thu hút thị trường các chủ tàu sẽ thực hiện mỗi tuần một chuyến. Nếu thị trường thuận lợi, khoảng giữa tháng 8 sẽ nâng lên mỗi tuần 2 chuyến.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đây là sự kiện rất quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, giúp việc giao thương hàng hóa đến các thị trường trong khu vực Bắc Á được thuận lợi hơn nhờ vào việc rút ngắn được thời gian và giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa so với các nước trong khu vực. Việc mở tuyến vận tải biển từ Quy Nhơn đi trực tiếp đến khu vực Bắc Á là nhu cầu rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất-nhập khẩu.
Cảng Quy Nhơn được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức tiếp nhận lại từ tháng 6/2019 sau quá trình đàm phán mua lại cổ phần với Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Sau khi quy trở lại trực thuộc Vinalines, cảng Quy Nhơn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt nhờ tăng trưởng dịch vụ cung ứng xăng, dầu, liên doanh khai thác bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ xếp dỡ container chuyên dụng để phát triển hệ thống hậu cần cảng.
Quý I/2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu quý I/2020 của cảng Quy Nhơn đạt 212 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019….