Chiều 8/6, tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ trì buổi họp báo thông tin một số điểm mới đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì họp báo
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (gồm 8 Chương, 89 điều), có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009 đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện, bao quát tất cả các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì một số quy định của Luật cũng bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung; Bộ GTVT đã khẩn trương đánh giá tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi) theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
“Đến nay, Bộ GTVT đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với quan điểm: giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật Giao thông đường bộ năm 2008; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động giao thông vận tải; đảm bảo công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và thân thiện với môi trường” - lãnh đạo Tổng cục cho biết.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện dự thảo Luật đang được Bộ GTVT gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương, các hiệp hội; đăng tải rộng rãi trên Công thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được 103 văn bản góp ý của cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra trả lời câu hỏi của Phóng viên
Tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Tổng cục đã trao đổi, trả lời các câu hỏi của đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí về một số điểm mới đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) như: quy tắc để bảo vệ người yếu thế; hệ thống báo hiệu đường bộ; công tác vận tải...
Về bổ sung các quy tắc để bảo vệ người yếu thế (người già, người khuyết tật, trẻ em) như: quy tắc tập trung nhường đường cho người đi bộ, quy tắc nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường, quy định việc phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ em dưới 13 tuổi.
Đối với hệ thống báo hiệu đường bộ, điểm mới đáng chú ý là quy định về tín hiệu đèn xanh được nội luật hóa theo công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ, theo đó “Tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao”.
Về vận tải, dự thảo Luật có nhiều điểm mới: bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải; phân loại lại các loại hình kinh doanh vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình kinh doanh vận tải; giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chỉ giữ lại các điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông; bổ sung các quy định tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông; bổ sung quy định đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô; bổ sung quy định đối với hoạt động vận tải nội bộ; bổ sung quy định đối với hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái; bổ sung quy định đối với dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô…
Xuân Nguyên