Đây là mục tiêu Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang khẳng định tại cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp khai thác cảng cạn, ICD nhằm rà soát khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, khai thác cảng cạn, ICD và các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị Quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.
Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang chủ trì cuộc họp
Theo bà Nguyễn Thị Thương - Phó Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, tính đến thời điểm này, có 09 cảng cạn được công bố chính thức theo Quyết định số 1041/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT công bố Danh mục cảng cạn Việt Nam. Đánh giá cho thấy, các cảng cạn, ICDkhu vực miền Nam có hệ thống kho, bãi chứa container, cầu cảng, trang thiết bị bốc xếp và phương tiện vận tải đa dạng, phong phú và hiện đại hơn so với khu vực miền Bắc. Đồng thời, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cảng cạn, ICD khu vực phía Nam được đánh giá tốt hơn khu vực phía Bắc.
Cụ thể, các cảng cạn, ICD tại khu vực miền Nam phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa; hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container; giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị (như khu vực TP. Hồ Chí Minh).Một số cảng cạnđã có sự gắn kết với các cảng biển, vận tải biển như một mắt xích trong dây chuyền vận tải đa phương thức. Với khối lượng hàng container thông qua các cảng biển phía Nam chiếm trên 60% khối lượng hàng container của cả nước, đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển các cảng cạn, địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hệ thống kho bãi chứa container khác ngoài cảng biển...
Tại cuộc họp trực tuyến, đại diện một số doanh nghiệp khai thác cảng cạn, ICD như: Tân Cảng Nhơn Trạch, Mỹ Đình, Tiên Sơn…đã thông tin sơ bộ về lịch sử hình thành và phát triển; báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình vận hành; đề xuất giải pháp tháo gỡ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nội dung một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến: cơ chế chính sách đối với các doanh nghiệp cảng cạn; quy hoạch cảng cạn; thủ tục công nhận ICD thành cảng cạn; tăng cường trao đổi thông tin…
Liên quan đến đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp tham dự họp, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, trong quá trình hoạt động của các cảng cạn, ICD, hải quan địa phương đã phối hợp giải quyết kịp thời trường hợp phát sinh vướng mắc. Đối với các ICD đã hoàn thành thủ tục được Bộ GTVT công bố là cảng cạn, cần thực hiện đúng chức năng theo Nghị định 38/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về đâu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn. Về tên gọi ICD sau khi nâng cấp lên cảng cạn, phía Hải quan không gặp khó khăn trong vấn đề này, vì gọi chung là cảng thông quan nội địa. Ngoài ra, đại diện Tổng cục Hải quan cũng đồng tình, cơ quan quản lý Nhà nước nên xây dựng một mã quốc tế trên hệ thống để việc kết nối thuận tiện hơn.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các phòng tham mưu của Cục Hàng hải Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã cùng trao đổi nội dung liên quan đến đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp khai thác cảng cạn, ICD về thủ tục công bố cảng cạn; xây dựng khung giá dịch vụ bốc dỡ tại cảng cạn; cơ chế chính sách kết nối cảng biển và cảng cạn cũng như công tác phòng chống cháy nổ, an toàn an ninh tại cảng cạn.
Phát biểu kết luận, trên cơ sở ý kiến đóng góp của cơ quan, đơn vị trực thuộc, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang giao các phòng chuyên môn tham mưu thủ tục công bố các ICD đủ điều kiện thành cảng cạn, kiến nghị sửa đổi bất cập liên quan đến Nghị định 38/NĐ-CP nói trên; nghiên cứu mã quốc tế; đồng thời, xây dựng kế hoạch khảo sát, làm việc với các ICD.
“Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ cùng phối hợp để xây dựng chính sách quản lý cảng cạn, ICD một cách bài bản; hệ thống vận hành hài hòa, hiệu quả hơn; giảm bớt các thủ tục không cần thiết”, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.
Ngọc Hân