Mới đây, Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang về công tác quy hoạch phát triển cảng biển và quản lý hoạt động tuyến bờ ra đảo khu vực tỉnh Kiên Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu tại buổi làm việc với
đoàn công tác Bộ GTVT về công tác quy hoạch phát triển cảng biển
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông vận tải, cảng biển Kiên Giang bao gồm 12 khu bến: Khu bến Hòn Chông, Bãi Nò, Bình Trị, Rạch Giá, Phú Quốc (gồm cảng An Thới, Vịnh Đầm, Dương Đông, Mũi Đất Đỏ, Bãi Vòng, Đá Chồng, Nam Du).
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã triển khai huy động từ nhiều nguồn vốn để phát triển hệ thống cảng trên địa bản tỉnh như: Cảng hàng khách quốc tế Phú Quốc, cảng Vịnh Đầm, cảng An Thới, cảng Rạch Giá. Hệ thống luồng vào các cảng được quan tâm, nạo vét thường xuyên, thuận tiện cho các phương tiện vận tải tiếp cận các cảng, bến.
Về công tác quản lý hoạt động các tuyến từ bờ ra đảo, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15 đơn vị kinh doanh vận tải đang hoạt động trên 10 tuyến vận tải từ bờ ra đảo với 62 phương tiện hoạt động trên các tuyến (34 phương tiện cao tốc, 17 tàu phà chở được ô tô, 5 tàu sắt và 6 tàu gỗ).
Ngoài ra, còn có 80 phương tiện hoạt động đưa khách tham quan du lịch quanh các đảo huyện Phú Quốc, Nam Du, Lại Sơn, Hòn Tre; Hòn Phụ Tử, Ba Hòn Đầm…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải bổ sung cảng Thổ Châu là cảng tổng hợp vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển; nâng công suất cảng Hòn Chông đảm bảo tiếp nhận các tàu đến 15.000 tấn; mở rộng không gian cảng Bãi Vòng (Phú Quốc).
Thống nhất cho địa phương cải tạo nâng cấp các bến thủy nội địa trên các đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Tiên Hải thành Cảng thủy nội địa để tiếp nhận tàu biển. Sớm bố trí 477 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho cảng hành khách quốc tế Phú Quốc để tiếp tục triển khai hoàn thành các hạng mục còn lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết: Hoạt động vận tải biển khu vực tỉnh Kiên Giang rất năng động, có đội tàu vận tải hành khách lớn nhất cả nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong 5 năm qua, vận chuyển hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo tăng trung bình từ 13- 15% mỗi năm.
Nhu cầu hiện nay của Kiên Giang chủ yếu phục vụ cho hành khách du lịch đi các đảo và hàng hoá thông thường. Đối với hàng hoá quy mô cảng nước sâu, tỉnh cũng đã nhiều lần kêu gọi nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư. Kiên Giang mong muốn Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cho tỉnh rà soát lại cảng Mũi Đất Đỏ và cảng Nam Du phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển phục vụ cho các bến cảng khách. Với tốc độ tăng trưởng hành khách cao nhất cả nước nhưng đến nay hệ thống các bến, cảng của tỉnh vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại từ bờ ra các đảo của hành khách.
Với vị trí và điều kiện tự nhiên, Kiên Giang có ưu thế về biển, kinh tế biển; giao thông vận tải biển phát triển mạnh, hệ thống cảng biển được xác định là động lực góp phần đề phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.
Vì vậy, đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ hoàn toàn thống nhất và yêu cầu đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện dự thảo quy hoạch, trong đó quy hoạch quy mô theo hướng mở để tỉnh dễ triển khai các dự án đầu tư.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cũng lưu ý đối với quy hoạch chi tiết các khu bến, cảng dành cho tàu khách nên bố trí đủ đất để mở rộng cầu bến cảng, cầu dẫn đảm bảo phân luồng giao thông, góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách cũng như đảm bảo trật tự an toàn, an ninh xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng.