Tàu huấn luyện Hannara với công nghệ hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có được những thế hệ thuyền viên chất lượng, chuyên môn cao…
Tàu huấn luyện Hannara cập cảng MPC Port tại bán đảo Đình Vũ vào ngày 22/9
Sức chứa lớn, tích hợp công năng hiện đại
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vừa tiếp nhận tàu huấn luyện Hannara sau hành trình 7 ngày tàu di chuyển từ cảng Busan (Hàn Quốc) đến cảng MPC Port tại bán đảo Đình Vũ.
Đây là con tàu được Chính phủ Hàn Quốc viện trợ. Hannara là tàu huấn luyện chính của Trường Đại học Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc trong thời gian dài. Đến khi bàn giao lại cho Chính phủ Việt Nam, tàu vẫn có chất lượng và công nghệ tốt, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của tàu huấn luyện hàng hải quốc tế với 2 phòng huấn luyện/mô phỏng (1 phòng mô phỏng toàn phần thời gian thực buồng lái, 1 phòng mô phỏng thời gian thực buồng máy), 2 (1 hội trường 160 chỗ và 1 phòng hội thảo 100 chỗ), các phòng học, thư viện, phòng tập thể thao… Tàu có năng lực tiếp nhận 202 người (152 sinh viên và 50 sỹ quan, thuyền viên, giảng viên)
Để thực hiện thành công việc chuyển giao, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã cử đoàn thuyền bộ tiếp nhận tàu bao gồm 12 người, là các thuyền trưởng, máy trưởng, sỹ quan hàng hải có kinh nghiệm lâu năm, từng vận hành các con tàu quốc tế siêu lớn, đang đảm nhận công tác đào tạo và huấn luyện tại các trung tâm mô phỏng, thực hành, huấn luyện hàng hải của Nhà trường và các thuyền viên dày dạn kinh nghiệm.
Công tác tiếp nhận, chuyển giao dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 4 ngày, từ ngày 23/9 đến ngày 26/9/2020, trong đó có một ngày tiến hành chạy thử tàu trên biển.
Tàu được bảo trì, bảo dưỡng tại Hàn Quốc
theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi hành hải về Việt Nam
Xóa cảnh sinh viên thực tập phải phụ thuộc tàu thương mại
Tàu huấn luyện Hannara sau khi tiếp nhận sẽ được đổi tên thành VMU VIỆT - HÀN, có khả năng cung cấp các khóa huấn luyện trên tàu theo tiêu chuẩn quốc tế cho sinh viên ngành đi biển, sỹ quan hàng hải và thuyền viên cả nước, đặc biệt là Chương trình thực tập sỹ quan đáp ứng đầy đủ các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), điều mà chưa tàu huấn luyện hiện tại nào của Việt Nam có thể thực hiện được.
Sinh viên ngành đi biển sau khi tốt nghiệp, sẽ không phải đi thực tập sỹ quan từ 12 - 36 tháng trên đội tàu thương mại như hiện nay mà sẽ đủ điều kiện và khả năng thi lấy Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan hàng hải trên tàu cấp không hạn chế, giống như sinh viên ngành đi biển của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Lãnh đạo Trường Đại học Hàng hải VN cho biết, việc tiếp nhận, chuyển giao thành công tàu huấn luyện Hannara không chỉ là dấu mốc quan trọng cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn là dấu mốc lịch sử của Trường Đại học Hàng hải cũng như của ngành hàng hải Việt Nam khi lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam được sở hữu con tàu huấn luyện hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
“Việc tiếp nhận tàu huấn luyện Hannara sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và huấn luyện hàng hải tại Việt Nam, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực hàng hải và kinh tế biển của đất nước, thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra”, lãnh đạo nhà trường nói.
Hình ảnh cận cảnh các phòng chức năng của tàu huấn luyện hiện đại nhất Việt Nam mới được tiếp nhận:
Hội trường khang trang với sức chứa 160 chỗ ngồi
Không gian lớp học trên tàu huấn luyện
Phòng mô phỏng buồng máy
Phòng mô phỏng buồng lái trên tàu
Phòng ở cho giảng viên
Phòng ở tiện nghi cho sinh viên trên tàu huấn luyện