Bộ GTVT vừa có Công văn số 12208/BGTVT-VT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Y tế GTVT và các Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, thực hiện Công văn số 14/BCĐ389-VPTT ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng; thực hiện Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025”; nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, các sản phẩm động vật qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, góp phần chủ động kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng trên địa bàn cả nước và phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng vi rút lở mồm long móng mới từ bên ngoài vào Việt Nam.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bệnh Lở mồm long móng... xâm nhiễm, lây lan; phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, các sản phẩm động vật qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình vận chuyển trái phép động vật, các sản phẩm động vật qua biên giới; các hoạt động vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 các ngành, lực lượng chức năng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và việc tổ chức đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, các sản phẩm từ động vật qua biên giới trên các địa bàn trọng điểm.
Công khai đường dây nóng cho các tổ chức, cá nhân biết để cung cấp thông tin liên quan hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, các sản phẩm động vật qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật không qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn dịch bệnh, không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn đang có ổ dịch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ngành Y tế, Công an, Thú y, Quản lý thị trường, Hải quan và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để ngăn ngừa vận chuyển sản phẩm từ động vật trên các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách; Tuyên truyền rộng rãi tới các đơn vị kinh doanh vận tải bằng nhiều hình thức tới các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm.
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân để tình hình vận chuyển buôn bán trái phép động vật, các sản phẩm từ động vật qua biên giới địa bàn mình quản lý, phụ trách diễn biến phức tạp, kéo dài mà không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả hoặc để xảy ra hoạt động tiếp tay, bao che, bảo kê... cho các hoạt động vi phạm nêu trên; đồng thời làm tốt công tác động viên, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, các sản phẩm từ động vật qua biên giới.
Kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải những vướng mắc phát sinh (nếu có) trong quá trình tổ chức, thực hiện. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên./.