Cứu nạn trên biển: Cần nguồn lực đủ mạnh

Thứ hai, 19/10/2020 10:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời tiết trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới bất thường và cực đoan. Trong khi đó, hoạt động trên biển ngày càng sôi động, khả năng xảy ra tai nạn cũng ngày một gia tăng. Đặc biệt, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 tới nay, đã xảy ra 25 vụ tai nạn trên biển.

Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, vùng hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng xa bờ,
nên nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao

“Quá may mắn chị ạ, nói chung là phúc của mình quá lớn, may có trực thăng, không có trực thăng thì anh em cũng chết rồi”.

“Sóng gió ở đó quá cao, mỗi lần đánh vào ống khói tàu nó cuộn lên nhấc bổng anh em, ai không giữ được sẽ bị đánh bay khỏi tàu”.

“Khi ấy em bị rơi xuống và bị cuốn ra ngoài biển, cứ nghĩ là chết rồi, rất sợ hãi, nhưng như là có phép màu đưa mình về. Rất sung sướng (cười) không thể nói hết được”.

Đây là những chia sẻ của một số thuyền viên tàu Vietship 01 sau khi thoát khỏi tử thần trong vụ tai nạn trên vùng biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) ngày 8/10 vừa qua.

Anh Trần Văn Khôi, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II - người trực tiếp 2 lần dũng cảm cùng đồng nghiệp và các ngư dân vượt sóng đi cứu nạn chia sẻ: Thời điểm đó sóng to gió lớn, dòng chảy mạnh, nhận định nhiều khả năng rủi ro sẽ đến với chính bản thân nhưng anh vẫn quyết tâm lao ra biển để cứu người.

"Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ xác định là có thể mạng đổi mạng, bởi vì thực tế ở hiện trường sóng gió rất lớn, gió cấp 6 cấp 7, sóng cao từ 3 đến 5m. Nhìn những người gặp nạn ngoài đó bị thương, đói rét, mọi nguy cơ có thể đến với họ. Chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá tiếp cận tàu Vietship 01 để cứu thuyền viên".

Anh Khôi cho biết thêm, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong lần cứu nạn đầu tiên anh cùng với 3 ngư dân chỉ đưa được 2 thuyền viên về bờ. Trong lần vượt sóng thứ 2, anh trực tiếp lái xuồng chuyên dụng cùng 3 đồng nghiệp tiếp tục đi cứu nạn, nhưng không thành công do xuồng bị sóng đánh trùm lên và bị hỏng máy

Theo ông Phan Phùng Hải, GĐ Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, tàu Vietship 01 gặp nạn ở một địa hình rất khó khăn, bởi vùng biển Cửa Việt tiếp giáp với cửa sông và là vùng lõm. Khi có áp thấp nhiệt đới trên biển sẽ gây ra sóng lớn; đồng thời lũ trên thượng nguồn đổ về cửa biển với cường độ mạnh, tạo ra những đợt sóng rất dữ dội.

"Cửa Việt là vùng biển hở, nên các điều kiện sóng gió rất lớn. Về mùa lũ lụt bao nhiêu nước trên thượng nguồn tập trung đổ về cửa biển và đây là trận lũ kinh hoàng từ năm 1983 đến nay, tốc độ và cường độ của dòng chảy quá lớn, nên khi nước lũ về nguy cơ tai nạn của các tàu rất lớn".

Ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN cho biết, vụ tai nạn tàu Vietship 01 chỉ là một trong 25 vụ tai nạn xảy ra trên biển từ đầu tháng 10 tới nay. Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Trung tâm đã điều động 1 xuồng cao su cùng 4 thuyền viên chuyên nghiệp đi cứu nạn.

Mặc dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hết mình, nhưng do thời tiết bất lợi, trong khi các phương tiện cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu nên việc cứu nạn chưa hiệu quả. Theo ông Hùng, khó khăn về phương tiện, thiết bị đang là rào cản lớn trong công tác cứu hộ hiện nay.

"Trong vụ tàu Vietship 01 chúng tôi có loại súng bắn dây mồi nhưng chỉ hoạt động được trong phạm vi 300m trở lại, nhưng tàu bị nạn lại xa hơn 300m cho nên tầm với của súng bắn dây không tới. Chúng tôi cũng đã điều động xuồng cao su chuyên dụng chịu sóng tốt, nhưng với sóng cao 4-5m xuồng này hoạt động không hiệu quả... Phương tiện có khả năng chịu sóng yếu, tự nhiên mình đưa anh em vào 1 trạng thái hoạt động rất nguy hiểm trên biển".

Cũng theo ông Hùng, đây là vụ việc gần bờ nên huy động các lực lượng tại chỗ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cứu nạn ở những vùng biển xa, cách bờ hàng trăm hải lý đang đối mặt với nhiều khó khăn, do tàu cứu nạn hiện có kích thước nhỏ, khả năng chịu sóng gió hạn chế.

Trong khi đó, thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, vùng hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng xa bờ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao.

Qua tiếp nhận thông tin báo nạn, Ông Phan Điệp, Giám đốc đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thừa nhận tai nạn trên biển càng ngày càng tăng. Riêng từ đầu năm đến nay đơn vị đã nhận được hàng trăm thông tin báo nạn từ các tàu thuyền.

"Trước kia tai nạn xảy ra có thể ngư dân họ tự cứu lấy nhau, nhưng bây giờ họ gọi hệ thống thông tin duyên hải cũng như các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, số lượng càng ngày càng tăng hơn".

Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng khoa Hàng hải, Trường ĐH Hàng hải VN, công tác tìm kiếm cứu nạn được nhiều quốc gia có biển trên thế giới đầu tư  bài bản, chuyên nghiệp về nhân lực và phương tiện thiết bị, đáp ứng yêu cầu cứu nạn ở những vung biển xa.

Ở nước ta do nguồn lực hạn chế nên việc đầu tư cho công tác này chưa thỏa đáng, nhiều vụ cứu nạn chưa thể thực hiện kịp thời.

"Những vụ tai nạn ngoài biển trong lúc thời tiết rất xấu chúng ta thường không thực hiện được ngay bởi phương tiện không đảm bảo. Mà lúc gặp nguy hiểm đều là trong tình trạng thời tiết xấu thì họ mới cần, thì chúng ta lại không có đủ nguồn lực. Cho nên việc giải quyết thông thường là chậm và không đạt được như mong muốn".

Để công tác tìm kiếm cứu nạn hiệu quả, đặc biệt là ở những vùng biển xa bờ Cục Hàng hải VN đang đề nghị Chính phủ cho phép đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng có chiều dài 62m, chịu được gió cấp 9, cấp 10, hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu và có khả năng đi biển dài ngày; đồng thời đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, nhằm kịp thời cứu nạn trong những tình huống khẩn cấp.

Để công tác cứu nạn trên biển đạt hiệu quả, ngoài sự phối hợp giữa các lực lượng
thì việc đầu tư phương tiện thiết bị cứu nạn hiện đại là vấn đề cấp thiết cần được Chính phủ quan tâm

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng đã tiếp nhận gần 500 thông tin báo nạn trên biển. Đáng chú ý là có tới gần 82% số vụ đến từ tàu cá. Trong khi đó hiện có gần 100 nghìn tàu thuyền, với hơn nửa triệu ngư dân đang khai thác trên biển.

Với điều kiện thời tiết cực đoan, nguy cơ tàu thuyền gặp tai nạn, sự cố trên biển là rất cao, cơ chế, nguồn lực là yếu tố “then chốt” để công tác cứu nạn trên biển được thực hiện hiệu quả.

Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2 mặt biển, với chiều dài hơn 3.260km bờ biển. Cơ quan chuyên trách thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên toàn bộ vùng biển VN là Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN, với 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng.

Trong đó, có 3 tàu loại 41m có khả năng đi biển trong phạm vi 300-350 hải lý, gió cấp 7, cấp 8 trở lại. Điều đáng nói là tàu cứu nạn hiện nay khá nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu các chuyến đi biển cứu nạn dài ngày. Trong khi những phương tiện này được đầu tư cách đây 15 năm nên nhiều thiết bị đã lạc hậu.

Theo các chuyên gia, trên thế giới hiện đã có nhiều phương tiện, thiết bị cứu nạn hiện đại. Trong đó, một số thiết bị phục vụ cứu nạn gần bờ như: Xuồng cao su không chìm, hay có những loại phao tự hành, có thể thả từ bờ và điều khiển từ xa ra khu vực tàu bị nạn. Theo đó, phao tự hành có khả năng đem theo lương thực, dây mồi để cung cấp cho thuyền viên tàu gặp nạn để họ tự cứu mình. Hay hiện nay có những loại súng bắn dây có khả năng bắn xa bờ và có độ chính xác cao...

Không chỉ phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu mà lực lượng tham gia cứu nạn cũng còn khá mỏng. Thời gian qua Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN phải huy động thêm sự hỗ trợ từ các lực lượng như: Cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, các cảng vụ hàng hải để thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Điển hình như trong vụ tai nạn tàu Vietship 01 vừa qua, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, đặc biệt là việc điều động trực thăng của Bộ Quốc phòng đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải tình huống nào hoạt động của trực thăng cũng mang lại hiệu quả. Bởi trong điều kiện sóng gió quá phức tạp, gió cấp 7, cấp 8 trở lên sẽ không đảm bảo an toàn cho trực thăng.

Trong vụ tàu Vietship 01 sau 2 ngày đề xuất, khi thời tiết thuận lợi hơn trực thăng mới được điều động đi cứu nạn. Tuy nhiên, đây là việc điều động vô cùng hy hữu.

Để công tác cứu nạn trên biển đạt hiệu quả, ngoài sự phối hợp giữa các lực lượng thì việc đầu tư phương tiện thiết bị cứu nạn hiện đại là vấn đề cấp thiết cần được Chính phủ quan tâm. Bên cạnh đó, sự chủ động phòng tránh tai nạn là vô cùng quan trọng.

Bởi vậy, việc cung cấp thông tin về diễn biến thời tiết trên biển, cảnh báo sớm cho ngư dân cần được đẩy mạnh hơn nữa, để người dân biết và chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cũng như sự cố tai nạn trên biển.

 

nhunghv

Nguồn: https://vovgiaothong.vn/

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)