Cái Mép - Thị Vải bứt phá sản lượng, khẳng định vị thế cảng nước sâu

Thứ hai, 08/03/2021 10:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cụm cảng nước sâu của phía Nam Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về hàng hóa thông qua và số tuyến dịch vụ kết nối.

Với sản lượng hàng hóa không ngừng gia tăng, Cái Mép - Thị Vải
ngày càng khẳng định được vị thế cảng nước sâu tại Việt Nam

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, trong 5 năm gần đây, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã có sự phát triển rất tích cực.

Lượng hàng hóa thông qua cảng, đặc biệt là hàng hóa container luôn đạt mức tăng trưởng cao trên 15% và luôn được đánh giá là khu vực cảng có mức tăng trưởng hàng hóa cao nhất trên thế giới.

Đầu năm 2021, bến cảng Gemalink nằm trong phạm vi cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã được đưa vào khai thác với công suất giai đoạn 1 là 1,5 triệu Teus/năm, góp phần nâng tổng công suất khai thác tại Cái Mép - Thị Vải lên 8,3 triệu Teus/năm.

“Với việc đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng bến cảng và các dịch vụ cảng biển, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng ngày càng thu hút được hàng hóa thông qua và thúc đẩy hình thành các tuyến vận tải quốc tế xuất phát từ Cái Mép đến các quốc gia, khu vực trên thế giới.

Nếu năm 2013, tại Cái Mép - Thị Vải mới thiết lập được 8 tuyến vận tải, năm 2019 là 23 tuyến vận tải thì đến nay đã hình thành 32 tuyến. Trong đó có 25 tuyến quốc tế và 7 tuyến nội địa”, ông Hoàng Hồng Giang thông tin.

Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực, song, đại diện Hiệp hội Đại lý Môi giới hàng hải Việt Nam cho rằng, hiện nay, quá trình đưa hàng hóa xuống Cái Mép - Thị Vải vẫn gặp nhiều khó khăn khi tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra. Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng chưa có trung tâm kiểm tra chuyên nghành của Tổng cục Hải quan tại khu vực Cái Mép - Thị Vải khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí vận chuyển sau khi nhận hàng từ Cái Mép.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết, để phát huy lợi thế, vai trò của cảng Biển Vũng Tàu và khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải cho phát triển KTXH khu kinh tế động lực Đông Nam Bộ và cả nước, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ GTVT phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng kết nối cảng, ưu tiên triển khai nạo vét hạ độ sâu tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải đến -15,5m.

Đồng thời kiến Nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh bà Rịa Vũng Tàu đẩy mạnh các dự án kết nối đến cảng gồm hoàn thành đầu tư Đường liên cảng Cái Mép Thị Vải, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; nghiên cứu đầu tư đường cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, Đường Phước Hòa - Vũng Tàu.

“Cục cũng đang đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan chỉ đạo các cơ quan trực thuộc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị phục vụ soi chiếu hải quan, dịch vụ kiểm tra chuyên ngành tại Cái Mép - Thị Vải để thu hút khách hàng thực hiện các dịch vụ ngay tại cảng Vũng Tàu, giảm áp lực hải quan và giao thông trong địa bàn TP Hồ Chí Minh”, lãnh đạo Cục Hàng hải thông tin.

Phân tích về lợi thế của cụm cảng nước sâu lớn nhất khi vực phía Nam, theo Cục Hàng hải VN, Cái Mép - Thị Vải tập trung được 3 thế mạnh.

Cụ thể, về mặt chi phí, Cái Mép - Thị Vải giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm chi phí vận chuyển, chi phí xếp dỡ hai lần tại trung tâm trung chuyển do không sử dụng tàu gom hàng feeder đến các trung tâm chuyển tải như trước đây.

Về thời gian, hiện nay hàng xuất khẩu đi Mỹ chỉ mất 16 ngày khi xếp lên tàu mẹ tại Cái Mép so với trước đây là 24 ngày.

Về rủi ro, việc đưa hàng hóa từ Cái Mép - Thị Vải đến trực tiếp thị trường châu Âu, Mỹ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trễ tàu, rớt tàu, chờ tàu, hư hỏng hàng hoá khi thời gian vận chuyển lâu và xếp dỡ nhiều lần tại các cảng trung chuyển.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)