Trong 28 năm (1993-2021), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trao giải thưởng “Đại bàng” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Hàng không. Điều đó đã khẳng định thương hiệu, uy tín của VATM trong khu vực và trên thế giới.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng danh hiệu
Anh hùng Lao động cho Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam năm 2000
Cách đây 28 năm trong bối cảnh đất nước bắt đầu bước vào hội nhập, ngành Hàng không tiếp tục được cơ cấu, kiện toàn, ngày 20/04/1993 Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đã ký ban hành Quyết định số 746/QĐ/TCCB-LĐ về việc chuyển đổi tổ chức Công ty Quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (nay là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam). Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Tổng công ty. Nhìn lại chặng đường lịch sử 28 năm qua dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Hàng không, sự đóng góp của các thế hệ cán bộ và người lao động, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã có quá trình xây dựng, trưởng thành với những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới phát triển kinh tế đất nước.
Với chặng đường hơn 1/4 thế kỷ, trải qua nhiều lần thay đổi về mô hình tổ chức, từ phân tán rời rạc đến các đơn vị trong ngành được điều chuyển về tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước; Về cơ chế quản lý, từ đơn vị sự nghiệp có thu (trước năm 1998) đến doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và nay là Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ công ty con, trong đó công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, chủ sở hữu là Bộ Giao thông vận tải, chịu sự quản lý trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam về cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
28 năm đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là chặng đường vẻ vang hào hùng, là thời kỳ phát triển rực rỡ của Tổng công ty trong sự nghiệp hiện đại hóa và hội nhập không vận quốc tế, đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, từng bước kiện toàn về tổ chức, quản trị doanh nghiệp và đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Tổ chức cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn
Ngay từ ngày đầu thành lập, VATM đã được Nhà nước, Cục Hàng không VIệt Nam giao cho trọng trách trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành bay Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhằm khẳng định vùng trời trách nhiệm và vị thế của Hàng không Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời xác lập một vùng trời mà trong đó VATM có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, liên tục, phức tạp kéo dài từ năm 1975 sau khi thống nhất đất nước đến tháng 12/1994, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức giao cho VIệt Nam, trong đó VATM trực tiếp điều hành. Việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vào ngày 8/12/1994 đã trở thành mốc son trong lịch sử phát triển của ngành hàng không dân dụng nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng trên các phương diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng an ninh. Thắng lợi to lớn đó đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao.
Phó Thủ tướng Phan Văn Khải tại Lễ kỷ niệm 50 năm ICAO và đón nhận
quyết định của ICAOtrao lại quyền điều hành phần phía Nam
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh cho Việt Nam năm 1994
Kể từ khi tiếp nhận FIR HCM đến nay, VATM đã đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng trên 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng tại 28 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường bay trong nước và 36 đường bay quốc tế, trong đó có 02 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ bay cao nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, 28 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay an toàn cho hơn 10 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. VATM là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không dân dụng về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu điều hành bay đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 30 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.
VATM chào mừng điều hành chuyến bay thứ 900.000 trong năm 2019
Chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại
28 năm qua, cùng với đà phát triển của đất nước, hoạt động hàng không trong nước và khu vực liên tục tăng trưởng, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý điều hành bay, Tổng công ty đã luôn chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo ra sự thay đổi đột phá trong công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn bay của các hãng Hàng không trong nước và quốc tế.
Các cơ sở điều hành bay của Tổng công ty tại 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 4 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân được đầu tư nâng cấp với quy mô và công năng hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; Các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ, hàng loạt các giải pháp như tổ chức phân chia lại vùng trời, mở thêm đường bay thẳng, đường bay song song trục Bắc - Nam, áp dụng các phương thức điều hành bay mới dựa trên công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng lực điều hành bay, tăng khả năng thông qua vùng trời, đặc biệt góp phần giảm tình trạng ách tắc tại các sân bay lớn có mật độ bay cao.
Trong tiến trình đổi mới công nghệ, Tổng công ty cũng luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật. Phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, Tổng công ty chú trọng khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin phục vụ ngành Quản lý bay trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ, hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được các Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công, đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế.
Tích cực đào tạo phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới
Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Quản lý bay nói riêng, ngành Hàng không dân dụng nói chung theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của Tổng công ty là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hành để thực hiện các phương thức điều hành bay tiên tiến hiện đại, sẵn sàng quản lý, khai thác, bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành Quản lý bay, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ điều hành bay theo tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO.
Các học viên tham gia Chương trình xã hội hóa
kiểm soát viên không lưu tại Airways New Zealand
Năm 2013, Tổng công ty thành lập Trung tâm Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay để thực hiện công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong dây chuyền cung cấp dịch vụ đảm bảo điều hành bay. Tổng công ty đã mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác là thành viên chính thức của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có uy tín để tổ chức các khóa đào tạo, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam và hỗ trợ kinh nghiệm đào tạo nhằm tiết giảm chi phí. Từ năm 2015, Tổng công ty triển khai thực hiện Đề án Xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu, việc này đã mở ra cho Tổng công ty một hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tính đến nay, Tổng công ty đã tổ chức được 3 khóa học cho 65 học viên học về đường dài và tiếp cận tại Trung tâm huấn luyện Airways, New Zealand ở Christchurch. Cùng với đó, Tổng công ty đã phối hợp với Học viện Hàng không tổ chức các lớp đào tạo kiểm soát viên không lưu cơ bản ở trong nước. Các khóa đào tạo theo mô hình này đã cung cấp cho Tổng công ty nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tổng công ty trong những năm tới.
Chủ động, linh hoạt ứng phó trước đại dịch Covid-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng không. Do sự sụt giảm nghiêm trọng về hoạt động khai thác của các hãng hàng không dẫn đến sự sụt giảm lớn về các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Trong bối cảnh như vậy, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực triển khai các biện pháp quyết liệt giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động, đồng thời phòng ngừa mọi nguy cơ lây nhiễm từ yếu tố bên ngoài đến các lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, thông suốt. Tổng công ty đã nhanh chóng, kịp thời xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó đại dịch tại các cơ sở bảo đảm hoạt động bay. Các lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay bao gồm kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật, khí tượng, thông báo tin tức hàng không… được bố trí thành các nhóm trực chốt 24/24 tại cơ sở cung cấp dịch vụ; đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về y tế trong việc khử trùng, khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế khi cần thiết. Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, sẵn sàng các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng, đảm bảo các hoạt động bay an toàn, Tổng công ty tiếp tục tăng cường đồng bộ nhiều giải pháp trong đề án nâng cao năng lực điều hành bay nhằm tiếp tục củng cố và xây dựng Tổng công ty thành nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực.
Kíp trực tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài
Qua 28 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên lao động của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý:
- Danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” cho tập thể Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và cá nhân đồng chí Trần Xuân Mùi nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm QLBDDVN;
- Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam;
- Giải thưởng “Đại bàng” của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dành cho Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có bước tiến vượt bậc;
- 17 Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; 23 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 15 Cờ thi đua của Chính phủ; 123 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho các tập thể, cá nhân thuộc Tổng công ty; 19 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT.
Tổng công ty được Hiệp hội vận tải
Hàng không Quốc tế tặng giải thưởng Đại bàng năm 2009
Phấn khởi và tự hào về những thành tựu đã đạt được, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nhận thấy chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hoạt động hàng không đang tăng trưởng nhanh chóng, là cơ hội đồng thời cũng tạo ra những áp lực cho công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng công ty đã xác định định hướng phát triển hệ thống quản lý bay trên quan điểm xây dựng được các nền tảng cho sự phát triển bền vững thông qua ba trụ cột là đầu tư cơ sở vật chất công nghệ kỹ thuật hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng mô hình quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và môi trường pháp lý phù hợp với các quy định của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó tập trung vào mục tiêu Phát triển năng lực điều hành bay đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao; Phấn đấu đến năm 2030 phát triển Tổng công ty trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí năng lực điều hành bay và chất lượng cung cấp các dịch vụ, có hệ thống quản lý an toàn tin cậy, áp dụng công nghệ hiện đại và các giải pháp quản lý không lưu tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Hàng không trong nước và thế giới.
Trong không khí tự hào, tràn đầy niềm tin, khí thế và quyết tâm mới, toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động Tổng công ty tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, đồng tâm hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức xây dựng Tổng công ty ngày càng phát triển.