Vượt qua mọi khó khăn, các công nhân kiên trì bám đảo, duy trì đèn biển Hạ Mai, đảm bảo an toàn giao thông cho các tàu thuyền.
Công nhân Trạm hải đăng Hạ Mai bảo dưỡng đèn biển
Giữa ốc đảo hoang sơ, không người dân sinh sống, những công nhân thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (ATHH) miền Bắc vượt lên thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần để duy trì đèn biển Hạ Mai, dẫn lối cho tàu thuyền hành hải an toàn…
Đảo thiếu “hơi người”
“Gọi Hạ Mai là ốc đảo bởi nơi đây không có dân sinh sống như đảo Trần, đảo Bạch Long Vỹ. Cũng không thường xuyên đón khách du lịch như đảo Hòn Dáu (Hải Phòng) mà chỉ có công nhân đảm bảo ATHH và bộ đội biên phòng”, anh Nguyễn Hồng Tuyên, Trạm trưởng Trạm hải đăng Hạ Mai giải thích.
Gắn bó 15 năm với đảo, anh Tuyên chia sẻ, xung quanh là núi đá, rừng nguyên sinh, lực lượng biên phòng ở dưới chân núi, công nhân đèn biển lại trên tận “chóp” đảo, việc giao tiếp gần như không có.
Sống trên đảo ít người, việc chăm sóc sức khỏe cũng phải chủ động hơn. Nơi làm việc luôn trang bị tủ thuốc trị bệnh thông thường (cảm cúm, tiêu chảy, nhức đầu), băng gạc.
“Trường hợp bệnh nặng, chúng tôi buộc phải nhờ sự trợ giúp của trạm biên phòng hoặc liên hệ với các đảo gần đó như: Ngọc Vừng, Thắng Lợi, cách đảo Hạ Mai khoảng 2 tiếng di chuyển để đưa bệnh nhân vào khám chữa”, anh Tuyên nói.
Không chỉ vắng “hơi người”, khan hiếm nước ngọt là nỗi lo thường trực. “Vài năm trở lại đây, lượng mưa trên đảo rất ít, việc tiếp tế nước ngọt từ bờ ra cũng có giới hạn nên tiết kiệm nước là ưu tiên hàng đầu. Vào mùa khô, có khi 3 - 4 ngày mọi người mới gom chung quần áo vào giặt để tiết kiệm nước”, anh Tuyên kể.
Với anh Nguyễn Công Huy, thách thức lớn của công nhân hải đăng Hạ Mai còn là quãng đường vận chuyển lương thực, nhiên liệu lên trên trạm.
“Quãng đường lên trạm đèn dài 900m với 345 bậc thang, dốc hơn 30 độ. Hàng ngày, để vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhiên liệu từ kho dưới chân núi lên trạm, anh em đều phải chia nhỏ thành từng bao 10kg hoặc từng can 10 lít để vác hoặc mang bằng đòn gánh, mất cả tiếng đồng hồ”, anh Huy nói và cho biết, mùa mưa bão, việc đi lấy thực phẩm luôn phải tranh thủ để tránh nguy hiểm tính mạng.
Anh Huy cũng không quên nhắc tới “đặc sản” là rắn, rết. “Trên đảo có rừng nguyên sinh nên cứ mỗi lần mưa tạnh, nắng lên, việc gặp rắn độc là thường xuyên, kèm theo đó là những con rết to bằng ngón tay út”, anh Huy kể.
Ba tháng mới được về thăm nhà, mọi việc ở nhà vợ lo hết
Ông Đồng Trung Kiên, Tổng giám đốc TCT Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, bất cập tại Hạ Mai là đảo không có cầu tàu, nên tàu tiếp tế phải đỗ cách xa từ 300 - 600m, hàng hóa được tăng bo bằng tàu nhỏ vào bờ. Riêng các loại dầu diesel, nước ngọt phải cho vào thùng nhựa kín, bền thả xuống biển để kéo vào bờ.
Vào ngành bảo đảm hàng hải 26 năm, 15 năm làm quản lý vận hành ở trạm đèn Hạ Mai nhưng khi đề cập đến “hậu phương”, giọng Trạm trưởng Nguyễn Hồng Tuyên vẫn có chút bùi ngùi: “Đặc thù công việc, công nhân hải đăng làm 3 tháng mới được luân phiên nghỉ 1 tháng. Thời gian ở nhà “chẳng tày gang”, tôi dù là con một trong gia đình nhưng mọi việc hiếu, hỉ, đối nội, đối ngoại gần như do vợ gánh vác. Nhiều lúc bố mẹ ốm không thể về, con đi viện vợ cũng giấu, một mình tự lo. Mình chỉ biết ở xa gọi điện thoại nói những lời động viên “sáo rỗng”.
Nhắc đến gia đình, chàng trai trẻ tuổi nhất trạm đèn Nguyễn Công Huy cũng bùi ngùi nhớ lại thời điểm vợ chuẩn bị sinh con gái đầu lòng sau gần 3 năm kết hôn nhưng không thể về. Gương mặt phảng phất buồn nhưng trước câu hỏi: “Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ bỏ nghề bảo đảm ATHH thì Huy đáp: “Trước đây thì có, nhưng giờ thì không”.
“Gần 6 năm gắn bó với các trạm đèn biển, có thời điểm tôi tủi thân, một mình ngồi khóc và nghĩ đến việc rời đảo về kiếm một việc khác làm. Thế nhưng, trải qua thời gian nỗ lực với công việc, sự tủi thân ngày ấy giờ thay bằng trách nhiệm, tôi thấy may mắn khi được cống hiến tuổi trẻ để duy trì ánh sáng dẫn đường cho ngư dân, thuyền viên yên tâm vươn khơi, phát triển kinh tế”, Huy nói.
Đèn biển Hạ Mai trên đảo Hạ Mai (đảo ngoài cùng thuộc hệ thống đảo khu vực Bái Tử Long của tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng năm 2005, đóng vai trò quan trọng cho các con tàu định hướng và xác định vị trí để nhập bờ vào khu vực cảng Hòn Gai - Cái Lân và khu vực cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).