Doanh nghiệp cảng đề xuất tạo điều kiện cho công nhân đã tiêm vaccine di chuyển giữa nơi ở và cảng biển thay vì thực hiện 3 tại chỗ...
Lượng hàng giảm, chi phí vận hành phát sinh
Sáng 14/9, Cục Hàng hải VN tổ chức cuộc họp trực tuyến rà soát tình hình hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) hàng hải phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau giãn cách xã hội.
Mô hình "3 tại chỗ" kéo dài đang khiến doanh nghiệp cảng
phát sinh nhiều chi phí - Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó TGĐ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện cảng Tân Cảng Cát Lái đã hoạt động thông thoáng với tỷ lệ hàng tồn tại bãi cảng duy trì ở mức an toàn, từ 82 - 87%.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của nhiều nhà máy, xí nghiệp khu vực phía Nam, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng TCSG không tránh được ảnh hưởng.
Bên cạnh DN cảng biển, một số đơn vị hoa tiêu hàng hải cũng bắt đầu phát sinh khó khăn trong mùa dịch. Đơn cử, ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty Hoa tiêu Hàng hải khu vực 1 cho biết, trong tháng 8/2021, doanh thu của đơn vị này giảm khoảng 15 - 20%.
Chi phí phát sinh trong 8 tháng đầu năm cũng tăng 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu phục vụ phòng, chống dịch cho lực lượng lao động.
Trong đó, lượng hàng hóa qua Cát Lái giảm gần 24%, khu vực cảng Cái Mép giảm gần 40% so với thời điểm trước dịch. Tại cảng Hiệp Phước, tỷ lệ giảm khối lượng hàng là gần 50% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sâu trong tháng 9/2021.
Theo ông Trương Nguyên Linh, Phó TGĐ Cảng VICT, thống kê trong tháng 8/2021, sản lượng hàng thông qua cảng VICT cũng giảm mạnh khoảng 30 - 40% trong tháng 8/2021 và dự báo sẽ giảm trên 40% trong tháng 9/2021. Nếu trước đây, mỗi tuần cảng đón 12 - 14 tàu thì hiện chỉ còn 4 - 6 tàu/tuần.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó TGĐ Cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị này cũng đang rất lo lắng khi dịch bệnh khiến sản lượng hàng hóa thông qua cảng Sài Gòn trong tháng 8/2021 giảm khoảng 20% so với tháng trước đó và giảm từ 30 - 35% so với bình quân những tháng trước dịch (trước tháng 5/2021).
Tại khu vực cảng biển Vũng Tàu, ông Phan Hoàng Vũ, Phó TGĐ cảng SSIT cho biết, tác động của dịch bệnh khiến sản lượng thông qua SSIT trong tháng 8/2021 giảm khoảng 40% so với sản lượng hàng trung bình của 3 tháng trước đó.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, TGĐ Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), trong tháng 8/2021, sản lượng hàng qua CMIT cũng giảm trên 40%. Tuy nhiên, sang đến đầu tháng 9, hàng hóa qua cảng đã có sự khởi sắc trở lại.
Hàng ít, doanh thu giảm, song, các DN đều đang phát sinh chi phí hoạt động khá lớn để duy trì mô hình 3 tại chỗ cho công nhân cảng.
Đề xuất ý kiến tại cuộc họp, hầu hết các DN đều cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại cảng biển đều đạt tỷ lệ cao. Trong đó, cảng Sài Gòn có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 đã đạt hơn 90%.
Vì vậy, cơ quan chức năng địa phương cần xem xét, tạo điều kiện cho cảng chuyển mô hình quản lý lực lượng công nhân từ 3 tại chỗ thành một cung đường - hai điểm đến để công nhân có “thẻ xanh” di chuyển thuận lợi giữa nơi ở và cảng biển, vừa giúp DN giảm áp lực chi phí nuôi quân, vừa giúp người lao động giải tỏa tâm lý căng thẳng.
Cục Hàng hải cần kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Chính phủ, Bộ, ngành liên quan xem xét, thực hiện một số chính sách ưu đãi, miễn giảm: thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội; Nghiên cứu ban hành thêm gói an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động ở tỉnh xa để các cảng có thể giữ được lực lượng công nhân, đủ năng lực nâng cao khai thác.
Một số DN cảng như: cảng Sài Gòn, SSIT thì đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép các DN cảng được linh hoạt trong vấn đề điều chỉnh, áp dụng giá dịch vụ tại cảng phù hợp để có nguồn lực bù đắp chi phí phát sinh duy trì hoạt động trong suốt thời gian qua.
Ảnh minh họa
Tiếp tục phủ vaccine, bình ổn giá dịch vụ
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN đánh giá cao nỗ lực duy trì hoạt động cảng biển của các DN trong thời gian qua.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển, đặc biệt là giai đoạn sau khi các địa phương nới lỏng lệnh giãn cách, lãnh đạo Cục Hàng hải đề nghị các DN tiếp tục đồng hành, chủ động đăng ký danh sách đề xuất tiêm vaccine với cảng vụ hàng hải, nâng cao tỷ lệ phủ vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt để lao động cảng sớm có được “thẻ xanh” khi địa phương ban hành chính sách liên quan đến đối tượng được tiêm đủ hai mũi vaccine.
“Trên cơ sở số lượng người lao động được tiêm chủng vaccine, các DN cần cùng nhau kiến nghị từng địa phương về việc thiết lập cảng xanh, vùng xanh, tạo điều kiện cho triển khai mô hình một cung đường, hai điểm đến để thông thuận đi lại, giảm bớt chi phí “3 tại chỗ”, ông Giang nói.
Về giá dịch vụ tại cảng biển, ông Giang cho biết, Bộ GTVT đã có chỉ đạo muốn tăng được giá phải có cơ chế kiểm soát được việc hãng tàu nước ngoài không tăng giá/phụ phí gây bất lợi cho chủ hàng.
Trước mắt, các DN cần nỗ lực bình ổn giá dịch vụ và tiếp tục phối hợp với Cục Hàng hải nghiên cứu, rà soát các bất cập hiện tại để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định quản lý việc niêm yết giá cho phù hợp, tiến tới đề xuất tăng giá dịch vụ trong thời gian tới.
“Các tổ chức hoa tiêu, lai dắt cũng phải cố gắng duy trì giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ. Nếu cân đối được thì tiếp tục nghiên cứu giảm giá dịch vụ để san sẻ khó khăn với chủ tàu nội địa trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Giang nói.
Để tạo điều kiện cho hoạt động hàng hải phục hồi, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cũng yêu cầu các cảng vụ hàng hải phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với phương tiện thủy nội địa, chuyển từ thanh toán thủ công sang thanh toán điện tử, giải quyết linh hoạt các vướng mắc của DN trong khuôn khổ pháp luật cho phép.