Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ mới định hướng hình thành các bến cảng khách quốc tế tại nhiều khu vực có lợi thế phát triển.
Đến năm 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ có thêm nhiều bến/khu bến
có khả năng tiếp nhận những "siêu" tàu du lịch trên thế giới - Ảnh minh họa
Tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các khu bến được định hướng hình thành bến cảng tiếp nhận tàu khách đến 225.000 GT (một trong những cỡ tàu du lịch lớn nhất thế giới hiện nay), gồm: khu bến Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), khu bến Cái Lân (Quảng Ninh), khu bến Bắc Cửa Lò (Nghệ An), khu bến Bắc Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa).
Đến năm 2050, việt nam có những cảng khách quốc tế nào?
Các khu bến sẽ kết hợp tiếp nhận tàu hàng và tàu khách đến 225.000 GT, gồm: khu bến cảng Hòn La (Quảng Bình), khu bến Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Khu bến Phú Quốc (Kiên Giang).
Các khu bến được quy hoạch đón tàu khách quốc tế chuyên dụng, gồm: khu bến Nha Trang (Khánh Hòa) là bến khách quốc tế và các bến du thuyền, đầu mối du lịch biển quốc tế (phát triển phù hợp với nhu cầu và bảo đảm phát huy giá trị vịnh Nha Trang); Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu.
Ngoài ra, sau năm 2030, khu bến Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch, đón tàu đến 225.000 GT phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến cảng Liên Chiểu.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 3 cảng khách chuyên dụng có khả năng tiếp nhận những tàu du lịch lớn nhất thế giới, gồm: Bến cảng khách Hòn Gai (Quảng Ninh), bến cảng Nha Trang, bến cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Một bến cảng khách quốc tế cũng đang được xây dựng tại Phú Quốc, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới.