Cảng biển ùn tắc trong vùng giãn cách xã hội, hàng hóa xử lý thế nào?

Thứ hai, 11/10/2021 09:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cơ quan chức năng đã xây dựng quy trình đổi cảng dỡ hàng nhập khẩu khi cảng biển tại địa phương giãn cách xã hội ùn tắc.

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, để kịp thời hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 82/2021 quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy trình xử lý hàng hóa khi cảng biển trong vùng giãn cách bị ùn tắc được ban hành sẽ giúp DN
cảng tránh được sự bị động, luân chuyển hàng hóa kịp thời, đảm bảo không gian kho,
bãi phục vụ hàng xuất nhập khẩu thông qua - Ảnh minh họa

Theo quy định, cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển khi: hoạt động khai thác chịu ảnh hưởng của dịch nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng, được cảng vụ hàng hải xác nhận; Hàng tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển.

Hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ khi DN cảng có văn bản thông báo cho chi cục hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc/nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của cảng vụ hàng hải.

Thông tư cũng nêu rõ, hàng nhập khẩu được chuyển đi phải đáp ứng các quy định: hàng nguyên container, chưa được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu, không thuộc danh sách theo dõi, kiểm tra, xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Hàng hóa theo tên khai báo trên hệ thống E-manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh) không thuộc danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định tại Nghị định 23/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

"DN kinh doanh cảng biển chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hoặc chủ hàng đã xác lập quyền sở hữu hàng hóa và kế hoạch vận chuyển đã được chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi đồng ý.

Đối với lô hàng phải thay đổi cảng dỡ khi ùn tắc, hãng tàu/đại lý hãng tàu được thực hiện sửa đổi thông tin cảng đích trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong thời hạn 48h kể từ khi tàu cập cảng dỡ hàng không bị ùn tắc", thông tư nêu.

Trước đó, cuối tháng 7/2021, cảng Cát Lái là cảng đầu tiên của Việt Nam đối diện với nguy cơ ùn tắc khi sau 3 tuần TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất.

Trước tình thế cấp bách, trên cơ sở ý kiến của Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn, cho phép DN cảng vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung (bao gồm cả container tồn đọng trên 90 ngày) về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng về các cảng: Tân Cảng Hiệp Phước và các ICD: Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương). Tỷ lệ hàng nhập tồn bãi tại cảng Cát Lái nhanh chóng được đưa về ngưỡng an toàn.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)