Những ngày đầu tháng 10 năm nay, tuyến Quốc lộ 12C qua các huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), Tuyên Hóa, Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), những chuyến hàng náo nức đi ngược về xuôi trên con đường bằng phẳng, êm ả.
Niềm vui trên những nẻo đường
Ngồi cùng chuyến xe chở hàng từ cảng Vũng Áng lên cửa khẩu Cha Lo, người lái xe thổ lộ: "Những năm trước, cứ vào thời điểm này, sau mấy cơn bão và áp thấp nhiệt đới là đi trên đường cứ lo ngay ngáy, lo sạt lở mái taluy, lo đường hỏng chưa kịp sửa, lo người đi đường gặp đường xấu bị tai nạn; đặc biệt mùa mưa lũ năm 2020 gây ách tắc rất nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 12C khiến nhiều người lở dở, đi không được, về chẳng xong. Giờ thì đường đẹp rồi, bằng phẳng và êm ru, hai bên là hàng cọc tiêu, hộ lan và biển báo đều tăm tắp, đi an tâm và tự tin hẳn lên".
Nghe anh nói, tôi thầm cảm ơn những người đã góp sức hoàn thành để con đường 12C với những dốc cao, nhiều đường cong, góc khuất đã trở thành mềm mại, uốn lượn nhẹ nhàng qua Kẻ Gỗ, Đồng Lê đến Thác Mơ, Quy Đạt.
Quốc lộ 12C được đầu tư từ những năm 2003 - 2005, qua thời gian dài khai thác đã xuống cấp, đặc biệt mùa mưa lũ năm 2020 làm hư hỏng mặt đường và sạt lở nhiều điểm gây khó khăn, mất an toàn cho bà con trong khu vực và các phương tiện lưu thông trên tuyến. Để khắc phục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành đảm bảo giao thông tạm thời trên tuyến, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thiết kế để triển khai thi công sửa chữa nền, mặt đường, kiên cố các điểm sụt trượt và bổ sung hệ thống an toàn giao thông nhằm bảo vệ kết cấu công trình, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại trên tuyến.
Nhớ lại những ngày hè tháng 7, anh Võ Sỹ Trung, cán bộ Ban Quản lý dự án 4, người trực tiếp nằm ở công trường trong chiến dịch 60 ngày không nghỉ cho biết: "Nhận nhiệm vụ trực tiếp điều hành trên công trường trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhìn thời gian cứ đều đặn trôi đi tôi lo lắm, lòng như lửa đốt. Khắp nơi chống dịch như chống giặc, trên địa bàn có dự án đi qua đã phát hiện nhiều trường hợp F0 nên chính quyền địa phương đã thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập. Để chuẩn bị cho công tác thi công, Nhà thầu đã tập kết đầy đủ các thiết bị, nhân lực, vật tư, tuy nhiên việc triển khai thi công trên công trường vẫn chưa thực hiện được. Đầu tháng 7, địa phương cho phép Nhà thầu đưa nhân lực, thiết bị để triển khai thi công và phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Đứng trước yêu cầu cấp bách phải hoàn thành các hạng mục chính của dự án trước mùa mưa trong khi thời gian không còn nhiều; đồng thời đảm bảo phòng chống dịch tốt cho cán bộ, công nhân tham gia dự án vì chỉ cần một người là F0, F1 thì sẽ ảnh hưởng tới cả công trường. Sau khi nghiền ngẫm, tôi bàn bạc với Tư vấn giám sát, Ban chỉ huy công trường và thống nhất là các anh em tập trung ở công trường trong suốt thời gian thi công các hạng mục chính, lập kế hoạch thi công chi tiết trong đó có 60 ngày thi công các hạng mục chính mà chúng tôi gọi là 60 ngày đỏ lửa, lửa đỏ trong trạm bê tông nhựa, lửa mùa hè đỏ trên đường, lửa trong tim những người lao động ngành GTVT, lửa bùng lên trên những cánh phượng dọc bên đường 12C che cho chúng tôi chút bóng mát buổi trưa hè. Để thực hiện phòng chống dịch Covid -19, các bộ phận lao động chia theo từng nhóm công việc, sinh hoạt và làm việc độc lập với nhau, tuân thủ và thực hiện đúng 5K, đi về trên một tuyến cố định, không giao lưu tiếp xúc với người dân địa phương; bố trí đủ các đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt cá nhân cho cán bộ, công nhân trên công trường. Thường xuyên động viên, bồi dưỡng để người lao động có tinh thần, có sức khỏe hoàn thành công trình đúng kế hoạch đề ra. Qua 60 ngày không nghỉ, các hạng mục BTN đã hoàn thành, cọc tiêu và biển báo đã hiện hữu trên đường để người tham gia giao thông yên tâm đi lại".
Chia tay anh Võ Sỹ Trung, người cán bộ điều hành dự án nhanh nhẹn và tràn đầy nhiệt huyết, tôi tìm gặp anh Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý dự án 4 khi anh đang ở tại dự án cầu dân sinh cũng trên địa bàn huyện Minh Hóa, Quảng Bình để tìm hiểu thêm. Qua giọng nói trầm ấm, gương mặt dạn dày sương gió và ánh mắt hiền hòa, vị Chủ tịch công đoàn trưởng thành từ cán bộ kỹ thuật thi công qua những tháng ngày lăn lộn bên nước bạn Lào cũng như vùng biên giới phía Tây cho biết thêm: "Bí quyết chỉ có mấy chữ Đoàn kết - Thương yêu". Các cán bộ đoàn viên Công đoàn Ban QLDA 4 luôn đoàn kết, coi Ban QLDA 4 như ngôi nhà của mình để cùng góp sức, góp trí tuệ, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện tốt các nhiệm vụ chung của cơ quan. Mặt khác, Lãnh đạo và Công đoàn Ban luôn chăm sóc, động viên vật chất, tinh thần kịp thời đối với cán bộ, CNV trong cơ quan; phân tích, hướng dẫn để mọi người hoàn thiện bản thân, giúp đỡ đoàn viên Công đoàn phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của từng cá nhân. Thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên và hỗ trợ gia đình đoàn viên Công đoàn, đặc biệt đối với những cán bộ vì nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cấp bách của cơ quan phải ở trực tiếp trên công trường trong thời gian dài. Vì vậy mọi người luôn yên tâm công tác, hết mình cho công việc do biết sau lưng là cả tập thể Công đoàn Ban luôn chăm lo chu đáo cho mỗi thành viên trong ngôi nhà Ban QLDA 4.
Chia tay, tôi thầm nghĩ với những con người luôn tâm huyết với nghề như các anh thì ngành GTVT sẽ ngày càng khởi sắc đi lên. Một lần nữa, xin cảm ơn các anh, những người đem lại niềm vui trên những nẻo đường.
Kiều Phương