Bộ GTVT đã xây dựng phương án cụ thể cho hoạt động vận tải hàng hải, trong đó có tuyến từ bờ ra đảo theo từng cấp độ dịch Covid-19.
Hai trường hợp tuyến vận tải bờ ra đảo được chạy tại vùng nguy cơ rất cao
Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã xây dựng lại phương án tổ chức vận tải tuyến dịch vụ từ bờ ra đảo theo 4 cấp độ tương ứng.
Vận tải khách từ bờ ra đảo
Cụ thể, hoạt động vận tải hành khách trên tuyến bờ ra đảo được tổ chức bình thường đối với địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2.
Tại vùng dịch cấp 4, hoạt động vận tải khách tuyến bờ ra đảo được yêu cầu tạm dừng hoặc chạy trong trường hợp đặc biệt do UBND cấp tỉnh quyết định.
Bộ GTVT cũng yêu cầu công tác làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng cho tàu biển được thực hiện điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cảng vụ hàng hải cấp phép cho tàu biển vào làm hàng sau khi được Cơ quan kiểm dịch, CDC chấp thuận đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19
Phương tiện hàng hải hoạt động phải thiết lập lối đi riêng, khu vực làm việc ngoài cabin, nhà vệ sinh riêng cho tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc.
“Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định đảm bảo không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị (không áp dụng đối với những tuyến chỉ có 1 phương tiện hoạt động) và có giãn cách chỗ trên phương tiện.
Vận tải hàng hóa được tổ chức hoạt động bình thường ở các cấp độ dịch với các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 liên quan”, hướng dẫn nêu.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải, chủ phương tiện xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19; nắm bắt thông tin về cấp dịch do địa phương công bố; Bố trí nhân viên hoặc bộ phận y tế để phối hợp với y tế địa phương xử lý khi có trường hợp mắc tại nơi làm việc.
Đồng thời, tổ chức khử khuẩn các bề mặt của phương tiện chở hành khách hàng ngày và ngay sau khi kết thúc chuyến đi (chỉ thực hiện khi hoạt động ở địa bàn có dịch ở cấp 3, cấp 4); Tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình có nguy cơ lây nhiễm cao.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng được tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: xây dựng phương án, kế hoạch xếp dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách ra vào cảng bảo đảm an toàn, quy định về phòng chống dịch; nắm bắt thông tin về cấp độ dịch do địa phương công bố; Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng; Thực hiện tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực công cộng; Niêm yết số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương để thông tin khi có vi phạm quy định về phòng, chống Covid-19.
Hướng dẫn của Bộ GTVT yều cầu chỉ thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với thuyền viên,
hành khách, công nhân cảng trong một số trường hợp cụ thể - Ảnh minh họa
Không xét nghiệm tràn lan
Quy định về xét nghiệm đối với các đối tượng liên quan đến vận tải hàng hải là một trong những điểm mới được Bộ GTVT đề cập tại hướng dẫn lần này.
Theo đó, thuyền viên, hành khách tuyến vận tải, người làm việc tại cảng phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Công tác xét nghiệm Covid-19 với các đối tượng nêu trên chỉ thực hiện một trong các trường hợp: có biểu hiện nhiễm dịch, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện; có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn) và có nghi ngờ hoặc chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở nước ngoài.
“Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); Có nghi ngờ hoặc chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở nước ngoài.
Việc xét nghiệm Covid-19 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả)”, hướng dẫn nêu rõ.
Riêng đối với thuyền viên tàu biển từ nước ngoài và tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa trong vòng 14 ngày có hoạt động ở địa bàn có dịch cấp 3, cấp 4, Bộ GTVT yêu cầu thuyền trưởng khai báo tình hình sức khỏe thuyền viên trên tàu trong thời gian tối thiểu 14 ngày và việc thay đổi thuyền viên (nếu có) trong 14 ngày gần nhất cho CDC hoặc cơ quan y tế địa phương để đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi cho tàu vào cảng làm hàng.
Hướng dẫn mới của Bộ GTVT cũng yêu cầu hoa tiêu hàng hải phải mặc đồ bảo hộ y tế cơ bản khi lên tàu (thực hiện khi phương tiện đi từ địa bàn có dịch ở cấp 3, cấp 4 hoặc tàu biển đến từ vùng có dịch ở nước ngoài); tiếp cận buồng lái bằng cầu thang bộ bên ngoài cabin (nếu có);
Thuyền viên tàu lai dắt, không được tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên tàu biển, hoa tiêu. Khi tiếp nhận và tháo bỏ dây lai phải đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ và mũ; khi thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo giãn cách tối thiểu.
Giám định, đăng kiểm, đại lý viên, cung ứng tàu biển, vệ sinh, thợ kỹ thuật chỉ được phép lên tàu thực hiện công việc khi công tác kiểm dịch y tế đã được hoàn tất và được sự cho phép của Bộ đội biên phòng/công an cửa khẩu cảng.