Cơ chế nào giúp kinh tế hàng hải đột phá hậu Covid-19?

Thứ hai, 25/10/2021 18:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế hỗ trợ tài chính cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa tạo đà cho DN hàng hải bứt phá trong và sau dịch Covid-19.

Doanh nghiệp bớt gánh nặng về chi phí vận hành

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều chịu những tác động vô cùng nặng nề.

Nhiều loại phí đã được miễn, giảm ngay trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp,
giúp doanh nghiệp hàng hải, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải biển có điều kiện duy trì hoạt động - Ảnh minh họa

Xác định kinh tế hàng hải là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực xung kích để phát triển đất nước, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp (DN) hàng hải, Cục Hàng hải đã chủ động tham mưu, báo cáo Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư số 74/2021.

Các chính sách phí, lệ phí hàng hải tại thông tư này đã ban hành đúng, trúng mong muốn của các DN, như: miễn, giảm các khoản phí trọng tải tàu, thuyền; phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo, đậu trong thời gian tàu thuyền phải neo đậu thực hiện công tác kiểm dịch, điều động sang khu vực hàng hải khác để cách ly y tế trong một số trường hợp bắt buộc theo quy định trước khi được phép vào cảng biển thực hiện xếp dỡ hàng hóa, đón nhận trả khách.

"Để hoạt động vận tải thông thương hàng hóa bằng đường biển thuận lợi hơn nữa, Cục Hàng hải đã và đang đề xuất Bộ GTVT xem xét tiếp tục báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và đề nghị UBND, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ, ưu tiên tiêm vắc xin cho thuyền viên.

Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND cấp tỉnh, thành phố tiếp tục mở rộng khu cách ly, tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam được lựa chọn chế độ cách ly thuyền viên tập trung không mất phí.

Trong trường hợp có thu phí đề nghị quy định giới hạn mức phí phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng chi trả của DN", đại diện Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN.

Quy định mới cũng tiếp tục duy trì hoặc gia hạn thời gian thực hiện các chính sách giảm phí tàu thuyền có dung tích lớn chở container xuất nhập khẩu, trung chuyển tại Cái Mép - Thị Vải; gia hạn áp dụng mức thu phí cho tàu thuyển chuyển tải dầu tại vịnh Vân Phong - Khánh Hòa,...

“Bên cạnh thông tư 74/2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 47/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho phép giảm mức thu đối với 30 loại phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021.

Trong đó, đối với lĩnh vực hàng hải, phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển đều được giảm 20%,…”, đại diện Cục Hàng hải thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải, nhằm trợ lực cho DN vận tải biển vượt “bão Covid-19”, Cục Hàng hải đã kêu gọi các DN hoa tiêu, lai dắt áp dụng mức thu giá tối thiểu trong khung giá hoặc giảm giá theo dịch vụ hiện nay theo quy định tại Thông tư số 54/2018 của Bộ Bộ GTVT.

Tính đến nay, đã có 8/12 Công ty hoa tiêu và 40/70 DN lai dắt áp dụng giảm giá cho các tàu biển Việt Nam hoạt động vận tải nội địa.

“Chính sách hỗ trợ về giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt đã giúp DN vận tải biển giảm chi phí vận hành từ 3 - 5 triệu đồng/chuyến tàu thay vì phải nộp mức thông thường. Tuy mức giảm không quá nhiều, song, trong bối cảnh “đói hàng” như hiện nay, sự hỗ trợ này giúp DN tiết kiệm được chi phí vận hành để bù cho các chi phí khác (chi phí xét nghiệm của thuyền viên, phun trùng, khử khuẩn tàu,…)”, một chủ tàu nội địa tại Thái Bình chia sẻ.

Các doanh nghiệp hàng hải mong muốn thời gian tới, các cấp có thẩm quyền sẽ tiếp tục điều chỉnh
"nới rộng" chính sách liên quan về thuế, phí, tạo động lực cho DN phục hồi hậu Covid-19 - Ảnh minh họa

Tiếp tục “nới rộng” thời gian giảm phí, nộp phí

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Trần Quang Huy, Phó trưởng Phòng Tài chính (Cục Hàng hải VN) cho rằng, để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các DN hàng hải có động lực bứt phá trong và sau dịch Covid-19, thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định miễn thu giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, giá dịch vụ lai dắt trong trường hợp tàu thuyền phải di chuyển đến vị trí neo đậu chỉ định để thực hiện kiểm dịch y tế hoặc phải di chuyển đến vị trí chỉ định để cách ly y tế đối với tàu thuyền khi đã phát hiện có ca bệnh dương tính Covid-19.

Bên cạnh đó, cần xem xét, khuyến khích các DN kéo dài thời gian áp dụng mức giá tối thiểu hoặc giảm giá thu hiện nay trong khung giá quy định tại Thông tư số 54/2018 đến hết ngày 30/6/2022 hoặc đến hết ngày 31/12/2022.

“Các cấp chức năng cũng cần xem xét, có cơ chế khoanh nợ, cho phép chậm trả lãi hoặc giảm lãi các khoản vay tín dụng ngân hàng đối với từng đối tượng doanh nghiệp; Miễn nộp hoặc giảm mức nộp đối với các khoản: trích nộp kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp,….

Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan cần sớm cụ thể hóa, có hướng dẫn chi tiết đối với Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội số 406 ngày 19/10/2021 để giảm thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021; cho phép DN được giãn, chậm nộp thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập DN; thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho DN với thời gian chậm nộp tối đa kể từ thời gian kết thúc quyết toán thuế năm 2021 theo quy định và không áp dụng hình thức xử phạt chậm nộp đối với các khoản tiền này", TS. Trần Quang Huy nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó TGĐ Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, để duy trì hoạt động cảng biển phục vụ hàng hóa thông suốt, các cảng biển đã phát sinh không ít chi phí để duy trì nhân lực “3 tại chỗ”. Riêng cảng Sài Gòn, chi phí cho “3 tại chỗ” phát sinh khoảng 2,6 tỷ đồng/tháng.

Thời gian tới, DN cảng mong muốn các cấp chức năng sẽ có những cơ chế chính sách giảm thuế đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN, giảm thuế thu nhập cá nhân, góp phần ổn định sản xuất, giảm bớt thiệt hại cho DN.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)