Nhiều công trình giao thông trọng điểm hối hả về đích

Thứ hai, 13/12/2021 10:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những ngày cuối tháng 12/2021, trên những công trình giao thông trọng điểm tại TP Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, không khí lao động rất khẩn trương. Chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công đang hối hả chạy đua với thời gian để đưa các công trình về đích đúng hạn, tạo động lực phục hồi kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Cầu Cửa Lục 1 (Quảng Ninh) đang được hoàn thiện các hạng mục cuối cùng,
đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2021.

Thời gian còn lại của năm 2021 chỉ còn tính bằng ngày đang hối thúc các công trình giao thông trọng điểm nhanh chóng về đích.

Thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán

Ngay tại vị trí cầu Rào (cũ), được xây dựng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, từng bị sập một nhịp bằng bê-tông và được thay thế bằng một nhịp dầm thép, đang dần hiện hữu một cây cầu mới, hiện đại và bề thế hơn. Công trình khẳng định quyết tâm của Hải Phòng trong nỗ lực hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong hiện tại và tương lai, nhất là trên tuyến giao thông cửa ngõ từ nội đô tiến ra phía biển. Cầu Rào mới trị giá đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, khởi công xây dựng từ cuối năm 2020. Sau hơn một năm vừa giải phóng mặt bằng, vừa chống dịch Covid-19, cây cầu hiện đại với các nhịp bằng thép và các nhịp bằng bê-tông cốt thép, bê-tông cốt thép dự ứng lực đã sừng sững in bóng trên sóng nước Lạch Tray.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, một năm qua, Ban đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Cùng với việc rốt ráo giải phóng mặt bằng nốt một số ít hộ dân, các nhà thầu thi công đã xong 28 trụ mố và đang khẩn trương hoàn thiện phần cầu chính. Trong đó đã hoàn tất phân đoạn dầm cuối cùng trong tổng số 20 phân đoạn dầm cầu chính; lắp đặt 18 đốt vòm thép nhịp chính nặng gần 900 tấn với chiều dài 264 m; 12 đốt vòm thép nhịp biên nặng gần 500 tấn; đang khẩn trương đúc dầm bê-tông hai nhánh còn lại trong tổng số 16 nhịp của hai cầu nhánh xuống…

Không khí lao động tại công trường xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 những ngày này cũng sôi động không kém. Công trình được khởi động từ năm 2013, sau nhiều năm im lìm, đã được tái khởi động từ tháng 8/2021. Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng khoảng 50 hộ dân trong tổng số 456 hộ dân và thu hồi hơn 67.000 m2 đất phục vụ dự án tuyến đường. Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi và huy động phương tiện, nhân công, xong mặt bằng đến đâu, tổ chức thi công đến đó. Đến nay, con đường dài gần 2 km với bề rộng 25 m, mà nhiều người từng cho rằng sẽ không làm được, đang trở thành hiện thực.

245 m đường nối từ hồ An Biên ra đường Lê Lợi đã được trải bê-tông nhựa hạt thô; đoạn 350 m từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường An Đà cũng đang được trải nhựa. Tiến độ công trình đang được đẩy nhanh khiến người dân rất phấn khởi, cảm nhận được quyết tâm của thành phố trong phát triển hoàn thiện mạng lưới giao thông. Ông Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, đơn vị đang đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, làm tăng ca để thông xe kỹ thuật cả hai công trình này trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, góp phần tô đẹp cho thành phố Cảng trong mùa xuân mới.

  Cầu Rào đang được khẩn trương, thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ba công trình kết nối giao thương

Cùng với cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, dự án cầu Cửa Lục 1 và đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả là những công trình giao thông trọng điểm đang được tỉnh Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành vào cuối năm 2021. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, đây là những dự án chiến lược, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Dự án cầu Cửa Lục 1 sau hơn một năm thi công đã hoàn thành hơn 90% khối lượng và đang được các đơn vị thi công tăng cường nhân lực, thiết bị, để hoàn thành vào cuối năm 2021. Anh Nguyễn Đức Tính, Đội phó thi công-Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính cho biết, đến nay hạng mục cầu chính đã cơ bản hoàn thành kết cấu chính, đơn vị đang thảm nhựa mặt cầu, thi công hệ thống lan-can, điện chiếu sáng và an toàn giao thông.

Đường nối và cầu dẫn lên cầu đang được tăng tốc, đến ngày 15/12 sẽ thảm xong mặt đường để chuyển sang hạng mục hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Dự án cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265 m. Cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê-tông với sáu làn xe cơ giới, rộng 33,1 m, dài 290 m, vận tốc thiết kế 60 km/giờ, tổng mức đầu tư là 2.109 tỷ đồng.

Dự án đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả dài 18,7 km, điểm đầu nối với đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, thành phố Hạ Long, đi qua các phường Hồng Hà, Hà Tu, Hà Phong, Quang Hanh và kết thúc tại cảng Km6, thành phố Cẩm Phả. Trên tuyến có hầm xuyên núi dài 235 m và hai cầu vượt suối. Tiến độ thi công đang được nhà thầu tập trung đẩy mạnh, tổ chức thi công ba ca, bốn kíp.

Các cầu trên tuyến đã cơ bản hoàn thành, hầm xuyên núi đã làm xong hạng mục bê-tông, nhà thầu đang tập trung hoàn thiện, lắp đặt hệ thống điện và gia cố các vị trí cửa hầm. Đối với hạng mục nền đường, đoạn tại thành phố Cẩm Phả đã cơ bản xong, đủ điều kiện đưa vào khai thác. Riêng đoạn thuộc thành phố Hạ Long, nhà thầu đang tập trung hoàn thiện đắp đất nền đường, thảm nhựa mặt đường tại các vị trí đã đủ điều kiện. Công trình cũng quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2021, theo đúng chỉ đạo của tỉnh.

Dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có chiều dài hơn 80 km, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 120 km/giờ. Sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Vân Đồn đi Móng Cái được rút ngắn từ hai giờ xuống còn gần một giờ. Đến ngày 9/12, dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đã đào đắp nền đường đạt 95% và thảm mặt đường được 0,2 km/11,76 km. Đối với gói thầu thi công xây dựng cầu Vân Tiên, cầu Đài Xuyên 2 và đường nối giữa hai cầu, các nhà thầu huy động nguồn lực gấp đôi so với đăng ký dự thầu để thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12.

Ông Hoàng Văn Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ninh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, các nhà thầu huy động tối đa nhân lực và phương tiện, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, tổ chức nhiều kíp thi công ba ca liên tục; lập biểu đồ công việc chi tiết theo ngày, bám sát tổng tiến độ dự án. Công tác phòng, chống dịch trên công trường được thực hiện nghiêm theo mô hình “ba tại chỗ” để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Tăng năng lực tuyến giao thông trọng điểm

Những ngày này, khoảng 100 công nhân tại dự án cầu vòm sắt qua hồ Linh Đàm (Hà Nội) đang thi công ngày đêm để kịp hoàn thành tiến độ. Đây là cây cầu được thiết kế đặc biệt dành riêng cho xe máy đi dưới gầm đường vành đai 3 trên cao, mặt cắt ngang cầu rộng 7,5 m, kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297,2 m.

Hệ thống chịu lực chính của cầu là hai dàn thép được thiết kế cách điệu dạng hình vòm, vừa bảo đảm an toàn, vừa mang lại thẩm mỹ cho cầu. Khi hoàn thành, cây cầu này sẽ giảm áp lực giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Đồng thời, khép kín tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng.

Ông Trần Quốc Dũng, Chỉ huy trưởng công trường (Tổng công ty Xây dựng cơ khí Thăng Long) cho biết, công trình được xây dựng trong điều kiện không gian rất chật hẹp, vì nằm dưới cầu vành đai 3, hai bên vướng trụ cầu vành đai 3 và cầu đi thấp, cầu nhánh lên. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài, nhiều trường hợp bị cách ly y tế.

Tuy nhiên, những vấn đề ấy đã được nhà thầu tập trung khắc phục và hiện nay toàn bộ chín nhịp dầm đã hoàn thành sản xuất. Nhà thầu đang làm tổ hợp dầm tại công trường và lắp dầm, thi công phần bản mặt cầu, phấn đấu thông xe vào dịp Tết Dương lịch 2022.

Một dự án quan trọng khác tại Hà Nội cũng vừa được hoàn thiện là sáu nhánh lên, xuống đường vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long. Ông Trần Văn Quyền, Quản lý công trường thuộc Liên danh Tokyu-Taisei cho biết, hạng mục nhánh kết nối đường vành đai 3 trên cao được khởi công từ tháng 10/2020, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 7/2021. Tuy nhiên, việc thi công phải tạm dừng từ ngày 24/7 do yêu cầu phòng dịch của Hà Nội.

Đến ngày 21/9/2021, công trường được tái kích hoạt, nhà thầu đã dồn lực thi công để đưa dự án cán đích sớm nhất có thể. Đến nay, sáu nhánh kết nối cầu cạn đã được hoàn chỉnh và chuẩn bị đưa vào khai thác, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận lợi, nâng cao năng lực hạ tầng giao thông tại khu vực cửa ngõ Thủ đô.

toanld

Nguồn: Báo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)