Vượt khó, hoàn thành các công trình trọng điểm

Thứ năm, 30/12/2021 09:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều công trình trọng điểm nằm trong vùng phong tỏa nhưng ngành giao thông vẫn vượt khó thi công, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Với tỷ lệ giải ngân đạt hơn 95%, Bộ Giao thông vận tải là một trong những ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Thi công nền mặt đường Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: BQLDA

Ăn, ngủ trên công trường

Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn khoảng 43.397 tỷ đồng. Để bảo đảm tiến độ thi công các công trình trọng điểm trong bối cảnh dịch Covid-19, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã phải triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo. Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành Dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư) cho biết: Năm 2021, đơn vị được giao 2.931 tỷ đồng, vì vậy ngay từ thời điểm dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đơn vị đã rốt ráo lên kế hoạch làm việc khoa học, hiệu quả. Hàng trăm cán bộ, công nhân ăn, ngủ trên công trường để tránh lây lan dịch, bảo đảm tiến độ thi công liên tục. Hiện, trên toàn tuyến, các nhà thầu đang tăng tốc thi công với 68 mũi tại 5 gói thầu xây lắp. 

Là đơn vị có khối lượng giải ngân cao nhất của Bộ Giao thông vận tải, chiếm gần 20% vốn, đại diện Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long cho biết, tính đến ngày 21/12/2021, đơn vị đã giải ngân được hơn 7.900 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch được giao. Dự kiến đến 31/1/2022, Ban sẽ giải ngân được hơn 8.278 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch vốn. Tương tự, các PMU giao thông khác cũng đạt kết quả giải ngân tương đối khả quan như: PMU 6 giải ngân được hơn 1.953 tỷ đồng, đạt hơn 94% kế hoạch; PMU đường Hồ Chí Minh giải ngân được 3.420 tỷ đồng đạt 81,6% kế hoạch vốn được giao sau điều chỉnh, bao gồm cả 1.299 tỷ đồng vốn bố trí trả nợ dự án BT.

Với kết quả giải ngân đạt hơn 95%, Bộ Giao thông vận tải là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Trong năm 2021, bộ đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án, điển hình như Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; khởi công Dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 qua Long Xuyên, Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc… Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ về những giải pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng là Tổ trưởng. Định kỳ hằng tháng, lãnh đạo bộ đều họp chỉ đạo, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Không chỉ đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, chúng tôi còn lấy kết quả giải ngân làm một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ cuối năm.

Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, ngay từ bây giờ, các đơn vị liên quan cần hoàn thành nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt thủ tục liên quan dự án quan trọng quốc gia. Các chủ đầu tư không chờ đến lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới bắt tay vào việc mà phải chủ động thu thập số liệu hiện trường, thống nhất với các địa phương. Đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng, một trong những yếu tố then chốt quyết định tiến độ dự án, cần phối hợp cơ quan chức năng địa phương sớm giải quyết các điểm nóng.

“Phải lan tỏa tinh thần quyết liệt của Chính phủ, không chỉ ở các ban quản lý dự án, nhà đầu tư mà phải đến tận công trường. Phải coi công trường như trận đánh, mỗi dự án là một chiến dịch, mỗi cán bộ, công nhân là chiến sĩ. Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, quy định cụ thể thời gian từng khâu, cá thể hóa trách nhiệm để nâng cao hiệu quả thi công”, ông Huy đề xuất.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo bộ phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Giao nhiệm vụ cho ngành giao thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cuối năm 2022, bộ phải khởi công 12 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc-Nam để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024-2025. Bên cạnh hạ tầng đường bộ, ngành giao thông cần chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như: Sân bay Long Thành, mở rộng Sân bay Nội Bài; khởi công theo Quy hoạch các cảng hàng không Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo…

Lĩnh vực hàng hải, cần xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư cùng Nhà nước làm tiếp cảng Trần Đề, tiếp tục đầu tư khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và cảng Lạch Huyện hiện hữu.

Đối với đường sắt, cần tập trung nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến mới (TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau), tuyến sang biên giới Campuchia, Lào; Bảo dưỡng hạ tầng hiện hữu, bảo đảm an toàn và phối hợp cùng các bộ, ngành sớm trình Đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.

toanld

Nguồn: Báo Thời nay

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)