Cảng biển Hải Phòng hướng tới mục tiêu đón 100 triệu tấn hàng

Thứ năm, 03/03/2022 17:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2021, Cảng Hải Phòng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó, sản lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 38 triệu tấn, tăng 7,6%, doanh thu hợp nhất đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Hàng hóa được thông qua Cảng quốc tế Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Lượng hàng qua cảng khu vực Hải Phòng liên tục giữ mức tăng trưởng cao trong thời gian qua. Sự phát triển này có đóng góp không nhỏ của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng - thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).

Tuy nhiên, việc cảng Hoàng Diệu - đơn vị trực thuộc doanh nghiệp này phải di dời trong thời gian tới theo quy hoạch của thành phố và của ngành giao thông vận tải sẽ khiến Cảng Hải Phòng gặp khó khăn trong cạnh tranh thị phần.

Vì vậy, việc sớm xây dựng và đưa vào khai thác 2 bến container số 3 và số 4 tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện được xem là giải pháp gỡ nút thắt trên.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho hay Cảng Hải Phòng giữ vai trò chủ đầu tư hai bến cảng số 3 và số 4 với tổng số vốn gần 7.000 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tiến hành lựa chọn nhà thầu và sẽ hoàn thành bước lựa chọn nhà thầu trong thời gian tới.

Nếu công trình khởi công trong quý 1/2022, dự án này sẽ hoàn thành bến số 4 vào tháng 6/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.

“Dự án sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 TEUs), chiều dài 750m, rộng 50m; bến sà lan, dịch vụ cho tàu có sức chở đến 160 TEUs (3.000 DWT), dài 250m, rộng 15m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47ha.

Các thiết bị chính phục vụ khai thác là 6 cần trục STS trên bến chính; 24 cần trục RTG; 2 xe nâng RSD; 1 xe nâng vỏ container; 50 đầu kéo + rơ-moóc; 1 cầu trục xưởng sửa chữa; 8 cân xe tại cổng cảng và phần mềm quản lý vận hành cảng TOS,” ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ thêm Cảng Hải Phòng luôn đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển chung của Tổng công ty.

Trong bối cảnh cảng Hoàng Diệu phải di dời cùng sự cạnh tranh gay gắt các cảng trong cùng lĩnh vực, việc đầu tư 2 cầu cảng nước sâu kỳ vọng sẽ đem đến lợi thế cạnh tranh mới cho Cảng Hải Phòng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, với vai trò là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, việc sớm đầu tư và hoàn thành các bến cảng tại khu bến cảng Lạch Huyện sẽ góp phần đáng kể nguồn hàng hoá cho các cảng biển tại đây, trong đó có Cảng Hải Phòng.

“Đặc biệt, các dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hongkong (Trung Quốc). Dự án cũng góp phần khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung phát triển...,” Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định.

Tàu chở hàng của hãng tàu K-LINE cập tại Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng). (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chia sẻ với nền tảng thành công trong năm 2021 của khối cảng biển Hải Phòng và việc 4 bến cảng mới sẽ được xây dựng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng trong năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco đầu tư (bến số 5,6) là điều kiện để mở rộng, đón lượng hàng lớn, tạo đà để Hải Phòng vươn tới mục tiêu 100 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2022.

“Các cơ quan quản lý nhà nước về cảng biển trên địa bàn Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cảng; trong đó có Cảng Hải Phòng trong phòng, chống dịch COVID-19; mở rộng dịch vụ, đầu tư xây dựng, bảo đảm an toàn an ninh cảng biển, tăng cường nạo vét luồng tàu…,” ông Nguyễn Anh Vũ cho hay.

Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng, ông Nguyễn Tường Anh cho biết: “Hết năm 2021, Cảng Hải Phòng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Trong đó, sản lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 38 triệu tấn, tăng 7,6%, doanh thu hợp nhất đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Đặc biệt, thị phần của Cảng Hải Phòng trong khu vực Hải Phòng tăng trưởng tốt, chiếm 41% và tăng 2,8% so với năm 2020.”

“Những tháng đầu năm 2022, Cảng Hải Phòng đang bận rộn chuẩn bị cho việc khởi công bến số 3, số 4 tại cảng Lạch Huyện. Đây sẽ là sự kiện khẳng định vị trí chủ lực và là cảng biển hiện đại nhất, lớn mạnh nhất trong hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc. Năm 2022, cán bộ, công nhân, lao động Cảng Hải Phòng phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 5-7%,” ông Nguyễn Tường Anh chia sẻ.

Về tình hình sản xuất trong năm vừa qua, Tổng giám đốc Nguyễn Tường Anh cho hay, một điểm sáng đó là sự kiện chi nhánh Cảng Tân Vũ (thuộc Cảng Hải Phòng) trở thành cảng biển đầu tiên tại khu vực phía Bắc đón TEU hàng container thứ 1 triệu thông qua trong năm 2021.

Trước thách thức đặt ra do dịch COVID-19 cùng sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực, sự kiện khẳng định uy tín, năng lực của Cảng Hải Phòng đối với các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, Cảng Hải Phòng nằm trong Top 50 cảng hoạt động hiệu quả nhất thế giới theo bản đánh giá do Ngân hàng Thế giới và IHS Markit thực hiện năm 2021.

Hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu và container từ các nước
được thông qua tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Hải Phòng cho rằng, vươn ra biển lớn vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, khẳng định sự đúng đắn trong chiến lược của Cảng Hải Phòng.

Thời gian tới, Cảng Hải Phòng sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng cải cách thủ tục, quy trình khai thác, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước như Hải quan, Biên phòng cửa khẩu, Cảng vụ hàng hải… nhằm tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian khách hàng làm hàng tại Cảng.

Đánh giá về việc phải di dời Cảng Hoàng Diệu, ông Phạm Hồng Minh cho rằng, việc di dời Cảng Hoàng Diệu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quy mô của Cảng Hải Phòng và thu nhập, đời sống của người lao động.

Nhưng ngược lại, việc di dời này được kỳ vọng có thể đem đến lợi nhuận đột biến cho Cảng Hải Phòng khi công ty đề xuất chịu chi phí di dời, cùng với đó, quỹ đất tại Cảng Hoàng Diệu có thể được bán đấu giá để giúp Cảng Hải Phòng tài trợ chi phí di dời và tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh.

“Đặc biệt, sau dự án xây dựng bến container số 3, số 4 tại Cảng Lạch Huyện, Cảng Hải Phòng đã đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao thêm các bến từ số 7 đến số 12 tại Cảng Lạch Huyện để cảng xây dựng, tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm của một đơn vị có truyền thống khai thác cảng; bảo đảm quy mô sau khi di dời cảng Hoàng Diệu, đáp ứng xu hướng phát triển chung của thành phố và Cảng Hải Phòng,” ông Phạm Hồng Minh thông tin.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2021 là năm đầu cảng biển khu vực Hải Phòng cán mốc hơn 90 triệu tấn hàng thông qua.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để cảng biển khu vực Hải Phòng đón lượng hàng container nhiều nhất từ trước đến nay là các cảng hình thành nhiều tuyến dịch vụ hàng hải mới.

Năm 2021, riêng Cảng Hải Phòng đã phát triển thêm 2 tuyến dịch vụ mới kết nối Hải Phòng với khu vực Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ, nâng tổng số tuyến dịch vụ kết nối đến cảng này lên con số 17.

nhunghv

Nguồn: Vietnamplus

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)