ĐTNĐ thời gian qua đã giữ đà phát triển tích cực nhưng cũng ngày càng có thêm nhiều thách thức. Để thách thức luôn gắn liền với cơ hội, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I cho rằng, lực lượng cảng vụ cần được giải tỏa bớt áp lực, đồng thời củng cố “nội lực”, siết chặt kỷ cương.
Cảng vụ viên của Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I làm nhiệm vụ trên phương tiện cập cảng
Giữ vững động lực cho sự phát triển ĐTNĐ
Theo ông Văn Trọng Dũng – Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I (Cảng vụ I, thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam), với trọng trách là "người lính" giữ bình yên cảng bến thủy vùng Đông Bắc, nhiều năm qua, mọi hoạt động của Cảng vụ luôn được duy trì ổn định.
“Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Cảng vụ I đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cảng, bến và phương tiện, không xảy ra bất cứ một sự cố mất an toàn nào trên địa bàn được giao quản lý. Cùng với đó, công tác quản lý phương tiện chặt chẽ từng bước chính quy, hiện đại”, Giám đốc Văn Trọng Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trọng trách giữ bình yên sông nước tại khu vực đang có nhiều tồn tại, hạn chế. Điển hình như công tác kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động cảng bến, phương tiện do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19. Tình trạng bến không phép còn tồn tại nhiều nơi trên tuyến đường thủy nội địa Quốc gia nhưng các cấp có thẩm quyền chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm;… Những khó khăn, eo hẹp về nguồn lực cũng đang góp thêm những tác động trong công tác quản lý cảng, bến.
Theo ông Dũng, công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa cần được tạo điều kiện cấp nguồn kinh phí trang sắm trang thiết bị để hiện đại hoá trong công tác quản lý chuyên ngành. Mặt khác, để “nâng tầm” ĐTNĐ, một trong những điều quan trọng là cần triển khai thí điểm việc thu phí không dùng tiền mặt và việc cấp phép điện tử cho phương tiện nhằm cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cơ chế tài chính cũng cần chuyển đổi theo cơ sở là gắn với đặc thù đang áp dụng tại cảng vụ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam sang cơ chế tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp, nhân sự trong đơn vị cũng cần chuyển từ viên chức thành công chức.
Thời gian qua, Cảng vụ I đã đảm bảo an toàn tuyệt đối của cảng, bến,
không xảy ra bất cứ một sự cố mất an toàn nào trên địa bàn trách nhiệm
Củng cố “nội lực”, siết chặt kỷ cương
Cho rằng, thách thức luôn đi liền với cơ hội, ông Dũng chia sẻ, trong thời gian tới, dù bối cảnh thực tế đặt ra nhiều khó khăn, Cảng vụ I sẽ luôn duy trì sự quyết tâm cao để giữ đà phát triển ĐTNĐ. Trước mắt, Cảng vụ I đang đặt ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác, đặc biệt trong đó là tăng cường “nội lực”.
Cụ thể, ưu tiên hàng đầu hiện nay là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ viên chức làm công tác chuyên môn thông qua việc học tập nghiên cứu cuốn "Sổ tay thủ tục vào, rời cảng và quy trình kiểm tra phương tiện tàu biển" và tài liệu “Bộ câu hỏi và đáp án chuyên môn dành cho cán bộ cảng vụ viên”. Đơn vị cũng tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật cho cán bộ viên chức chuyên môn, mời giảng viên là cán bộ Cục ĐTNĐ Việt Nam và cán bộ đơn vị có trình độ chuyên môn có kinh nghiệm truyền đạt.
Đặc biệt, Cảng vụ I khẳng định sẽ tiếp tục siết chặt công tác quản lý tại các bến lẻ, kiểm tra xử lý nghiêm đối với những phương tiện vi phạm quy định về thủ tục đi đến (không trình báo khi vào cảng, bến, thiếu giấy phép rời cảng cuối cùng). Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn chủ phương tiện tiến hành đăng kiểm lại phương tiện theo quy định, kiên quyết xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động đối với phương tiện không đăng ký, đăng kiểm.
Song hành với đó, Cảng vụ I tiếp tục lắp đặt thêm camera giám sát tại các bến lẻ để phục vụ cho công tác quản lý; triển khai thí điểm việc thu phí không dùng tiền mặt tại một số cảng bến, và đối với một số công ty vận tải; nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm cấp phép điện tử cho phương tiện, tàu biển vào rời cảng bến khu vưc quản lý;…
“Cảng vụ I sẽ bảo đảm an toàn cho 100% phương tiện ra vào cảng, bến nhận và trả hàng trong khu vực địa bàn được giao quản lý”, ông Văn Trọng Dũng nhấn mạnh.
PV