Khai thác lợi thế cảng biển Hà Tĩnh

Thứ sáu, 21/01/2022 15:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, nằm trên địa bàn TX Kỳ Anh) có độ sâu tự nhiên từ - 11m đến - 22m, tiếp nhận được tàu container 4.000 TEU. Đặc biệt, hệ thống cảng biển ở Vũng Áng, Sơn Dương có vị trí “vàng” trên hành lang hàng hải quốc tế, có điều kiện phát triển thành trung tâm logistics tầm cỡ.

Vị trí vàng trên hành lang hàng hải quốc tế

Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đã được các tập đoàn vận tải hàng hải trên thế giới đưa vào “tầm ngắm” vì có vị trí thuận lợi nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế. Đặc biệt, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) và độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến -22m. Với độ sâu lý tưởng này, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 5 - 30 vạn DWT, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.

Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý)
và độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến -22m

Với vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh là điểm trung chuyển hàng hóa với Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo bằng tuyến quốc lộ 8A và quốc lộ 12. Đây là cửa ngõ ngắn nhất ra biển Đông của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế, giao lưu hàng hóa với các quốc gia trên thế giới.

Với độ sâu lý tưởng, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận
tàu có trọng tải từ 5 - 30 vạn DWT,
tàu container có sức chở đến 4.000 TEU

Bên cạnh hệ thống cảng nước sâu, những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ khá liên hoàn, thông suốt bao gồm các trục dọc, trục ngang và các hành lang Đông Tây; các đường nan quạt từ TP Hà Tĩnh đi các huyện, thị và hệ thống đường nông thôn cho phép ô tô đến tận trung tâm các xã, cụm xã; liên kết vùng núi, trung du đến đồng bằng ven biển.

Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng kết nối liên vùng trong tỉnh và tỉnh Nghệ An.
Đây là 1 trong những tuyến đường “hậu cần” cho phát triển cảng Vũng Áng

Cùng đó, tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai. Đây chính là những “mạch máu” giao thông quan trọng để đảm bảo cho “nhịp đập” Vũng Áng - Sơn Dương ngày càng khỏe hơn.


Quy hoạch tuyến đường sắt Vũng Áng - Thà Khẹk - Khôn Ken trong mạng xuyên Á

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Thứ trưởng Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Sang đánh giá: “Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải quốc tế cả đường biển và đường bộ. Với lợi thế nằm khá gần tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch qua biển Đông - nơi chiếm khoảng 50% tổng lượng vận tải biển của thế giới, Vũng Áng không chỉ có tiềm năng trở thành một cảng đầu mối của Việt Nam mà còn trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển cho Lào và cả vùng Đông Bắc Thái Lan”.

Sẵn sàng ra biển lớn

Ngày 10/4/2021, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đón chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Vũng Áng. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp trong việc phối hợp, liên kết giữa Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Từ đây, định tuyến vận tải container 4 chuyến/tháng giữa cảng Hải Phòng - Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh và ngược lại đã được thực hiện thành công trong thời gian qua với 7 chuyến tàu cập cảng.

Ngày 10/4, tàu Tân Cảng Foundation của Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng
mang theo 36 container hàng hóa của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)
cập bến số 2, Cảng quốc tế Lào - Việt

Theo ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt, là đơn vị có kinh nghiệm và năng lực bốc xếp hàng hóa đạt hơn 3 triệu tấn hàng/năm, cảng quốc tế Lào - Việt đã đáp ứng về thời gian làm hàng, giải phóng tàu đạt tiêu chuẩn quy định của ngành hàng hải. Qua 7 chuyến tàu container cập cảng với thời gian bốc xếp hàng khá nhanh gọn, an toàn, Cảng quốc tế Lào - Việt đã mang đến sự tin cậy đối với chủ hàng, chủ tàu. “Để đón đầu tiếp nhận hàng container và chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động logistics, Cảng quốc tế Lào - Việt đã đầu tư bổ sung các thiết bị xếp dỡ và hệ thống kho bãi hiện đại, đồng thời khẩn trương hoàn thành cầu cảng số 3, phấn đấu đưa sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 6 triệu tấn/năm” - ông Linh cho hay.

Cảng quốc tế Lào - Việt đã đầu tư bổ sung các thiết bị xếp dỡ và hệ thống kho bãi hiện đại,
đồng thời khẩn trương hoàn thành cầu cảng số 3,
phấn đấu đưa sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 6 triệu tấn/năm

Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, giải pháp triển khai định tuyến vận tải Hải Phòng - Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ góp phần cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng cũng như trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực hoạt động ổn định, đảm bảo xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuyến dịch vụ định tuyến cũng tạo cơ sở, niềm tin thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đến với tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Minh Đức cho biết, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã đề xuất với Cục Hàng hải Việt Nam
cho phép cầu cảng số 1, số 2 - cảng Vũng áng tiếp nhận tàu container

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, trước đây, các cầu cảng tại Vũng áng chỉ tiếp nhận các tàu tổng hợp vào làm hàng. Để chủ động việc tiếp nhận tàu container, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã đề xuất với Cục Hàng hải Việt Nam cho phép cầu cảng số 1, số 2 - cảng Vũng áng tiếp nhận tàu container. Hiện tại, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho phép cầu cảng số 1 tiếp nhận tàu container đến 30.000 DWT, cầu cảng số 2 tiếp nhận tàu container đến 45.000 DWT. Đây là bước chuẩn bị quan trọng về cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng đón các tàu container đến và rời cảng.

Hệ thống thiết bị cần cẩu hiện đại...

Cùng với Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đang khai thác tối đa 100% công suất, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cũng đang khẩn trương thi công cầu cảng số 4, phấn đấu đưa vào khai thác cuối năm 2021. Theo thiết kế, cảng này có thể tiếp nhận tàu tổng hợp đến 40.000 DWT, tàu container 4.000 TEU, công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm.

...và xe chở container chuyên dụng tại cảng Vũng Áng đảm bảo bốc dỡ hàng nhanh chóng

Bên cạnh đó, cảng Sơn Dương là khu bến chuyên dùng, có bến cho tàu trọng tải đến 35 vạn DWT nhập than, quặng, dầu thô; bến cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT xuất sản phẩm và hàng khác phục vụ trực tiếp cho liên hợp luyện thép, lọc hóa dầu và cơ sở công nghiệp khác xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng; có bến tổng hợp, container để hỗ trợ khu bến Vũng Áng và bến trung chuyển than nhập ngoại dự phòng phát triển phục vụ các trung tâm nhiệt điện trong khu vực.

Cảng Sơn Dương hiện đang được Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
khai thác một phần có khu bến chuyên dụng cho tàu trọng tải đến 35 vạn DWT

Với những tiềm năng, lợi thế về mực nước sâu và vị trí địa lý, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp khai thác cảng, sự phối hợp của chính quyền và các cơ quan chức năng, hệ thống cảng Vũng Áng - Sơn Dương đã từng bước đáp ứng các yêu cầu của chủ hàng, chủ tàu, từng bước hiện thực hóa giấc mơ vươn ra biển lớn.

“Cảng biển đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển ngành logistics của mỗi quốc gia, vùng miền. Sự phát triển của cảng biển giúp ngành logistics giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ. Với tiềm năng, lợi thế của vùng biển phía Nam Hà Tĩnh, hệ thống cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương sẽ là cơ sở cho sự phát triển logistics trên địa bàn tỉnh” - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Thứ trưởng Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Sang nhận định.

Được biết, theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Vũng Áng - Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực - cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam.

Cảng Vũng Áng giai đoạn hoàn thiện sẽ có 17 bến (11 bến cảng tổng hợp, container; 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xuất nhập xăng dầu); cảng Sơn Dương giai đoạn hoàn thiện sẽ có 51 bến chuyên dùng (32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến cho khu lọc hóa dầu Formosa, 6 bến tàu cho Nhiệt điện Vũng Áng).

nhunghv

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)