Hàng loạt dự án giao thông lớn tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được Bộ GTVT giao.
Nhờ dự liệu các khó khăn và chủ động xử lý, đề xuất tháo gỡ, tiến độ giải ngân các dự án giao thông diễn ra khả quan.
Chong đèn thi công đêm
Ba tháng qua, công trường do Tổng công ty Trường Sơn tổ chức thi công tại gói thầu số 13 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 rầm rập tiếng máy móc cả ngày lẫn đêm.
Tại mũi thi công 2km đường đầu tuyến, hơn 50 công nhân cùng 22 đầu máy, thiết bị tăng hết tốc lực hoàn thiện cấp phối đá dăm trên 1 km.
Mỗi ngày, nhà thầu Công ty 68 đều chong đèn thi công đêm các đoạn gói thầu XL02, XL03
dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua Quảng Trị (Ảnh chụp ngày 22/3)
Trở lại văn phòng làm việc sau nhiều giờ chỉ đạo hiện trường, ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành gói thầu thuộc Tổng công ty Trường Sơn cho biết, tại gói thầu 13, Trường Sơn đảm nhận thi công 5km đường và 3 cầu.
Để rút ngắn tiến độ, Trường Sơn đã huy động tổng lực thi công ngày đêm, tăng thêm 5 đầu máy cho mũi thi công 2 km đường không phải xử lý nền đất yếu, phấn đấu triển khai công tác rải nhựa đoạn tuyến từ tháng 4/2022.
Với hạng mục cầu, mục tiêu đề ra là phải xong một cầu vượt vào dịp 30/4/2022. Hai cầu còn lại phải hoàn thành trong tháng 6/2022. Cụ thể hóa quyết tâm này, 3 mũi cầu đã được triển khai, tổng số nhân lực huy động cao điểm lên đến 100 người (thông thường là 50 - 60 người).
Nhờ vậy, tiến độ thi công cầu được cải thiện đáng kể. Nếu thời điểm trước Tết, sản lượng thi công trượt khoảng 2 - 3% so với kế hoạch thì hiện đã đáp ứng được yêu cầu.
“Kế hoạch tăng ca và nguồn lực đã đưa khối lượng giải ngân thực tế của Tổng công ty Trường Sơn tại gói thầu số 13 đạt 386/576 tỷ đồng.
Riêng từ đầu năm đến nay, sản lượng thi công được nghiệm thu là 60 tỷ đồng. Nếu năm trước, trung bình mỗi tháng, khối lượng giải ngân tại công trường khoảng 15 tỷ đồng/tháng, đến nay tăng lên 20 tỷ đồng/tháng”, ông Hoàn chia sẻ.
Không chỉ gói thầu số 13, theo lãnh đạo Ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45, ngay sau tiếp nhận chỉ đạo rút ngắn tiến độ của Thủ tướng Chính phủ, hơn 2 tháng qua, hàng chục mũi thi công cầu, hầm, đường trải dải trên tất cả các gói thầu của dự án đều sáng đèn đến đêm muộn để giải quyết dứt điểm kế hoạch chi tiết xây dựng theo từng ngày.
Có sản lượng thi công mới có thể giải ngân
Theo kế hoạch, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 phải giải ngân lên tới 3.000 tỷ đồng,
trong đó, giải ngân xây lắp là 2.800 tỷ đồng. Ảnh: Tạ Hải
Theo kế hoạch, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 phải giải ngân lên tới 3.000 tỷ đồng, trong đó, giải ngân xây lắp là 2.800 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng khối lượng giải ngân khoảng 233 tỷ đồng.
Xác định có sản lượng thi công mới có khối lượng giải ngân, Ban điều hành dự án và các nhà thầu còn chủ động dự liệu các khó khăn để có phương án khắc phục từ sớm, duy trì xuyên suốt quá trình thi công.
Điển hình, tại gói thầu số 10, lường trước được nguồn đất đắp nền đường có nguy cơ thiếu khoảng 700.000m3, Ban điều hành dự án và nhà thầu đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình cấp phép mở rộng mỏ Đồi Giàng, đảm bảo vật liệu đắp nền đường không bị gián đoạn. Nhờ các giải pháp trên, dự án hiện đã giải ngân được 647 tỷ đồng.
Đảm nhận thi công khối lượng hơn 600 tỷ đồng tại gói thầu 2-XL (từ Km 16+400 - Km27) dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, hơn 1 tháng qua, Tập đoàn Cienco4 đã điều chỉnh kế hoạch, tăng số mũi thi công đường và cầu được nâng lên 12 mũi so với 10 mũi ở thời điểm đầu năm. 8 đầu máy, thiết bị cũng được tăng cường, nâng tổng số lên 135 đầu máy thi công nền đường.
“Nhiều ngày, hơn 300 kỹ sư, công nhân phải chong đèn thi công đến đêm muộn, phấn đấu đến ngày 25/4 hoàn thành phần việc được giao để nhà thầu Phương Thành kịp thảm nhựa”, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc điều hành gói thầu số 2 thuộc Cienco 4 nói và cho biết, bằng việc tăng cường nguồn lực, sản lượng thi công của đơn vị đã tăng từ 35% ở thời điểm đầu năm lên 41%.
Sản lượng giải ngân cũng được cải thiện. Nếu trước Tết, trung bình mỗi tháng nhà thầu chỉ giải ngân được từ 15 - 20 tỷ đồng thì hiện mục tiêu mỗi tháng là 30 - 35 tỷ đồng.
Cùng với dự án đầu tư công, một số dự án sử dụng vốn ODA cũng đang gấp rút triển khai các giải pháp thúc tiến độ giải ngân.
Sau khoảng hai tuần diễn ra buổi làm việc chấn chỉnh tình hình triển khai dự án ODA kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sự rốt ráo lan tỏa từ văn phòng làm việc của Ban QLDA 2 đến hiện trường thi công gói thầu đầu tiên (gói thầu số 8).
“Tiếp nhận chỉ đạo của Thứ trưởng, tại gói thầu khởi công vào cuối tháng 12/2021, khoảng 30 máy móc thiết bị và hơn 30 nhân lực đang được huy động đẩy nhanh tiến độ cào bóc hữu cơ trên gần 13km mặt bằng đã được địa phương bàn giao. Khối lượng giải ngân hiện đạt 15% giá trị hợp đồng”, đại diện Ban điều hành dự án chia sẻ.
Theo vị này, dự kiến, đến tháng 7/2022, 10/11 gói thầu còn lại sẽ khởi công hàng loạt. Mục tiêu từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, dự án sẽ giải ngân hàng tháng khoảng 15% kế hoạch vốn xây lắp được giao của năm.
Được biết, năm 2022, kế hoạch vốn Bộ GTVT phân bổ cho dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 665 tỷ đồng.
Nới chính sách hợp đồng, gỡ khó cho nhà thầu
Mặc dù tiến độ giải ngân tại dự án vẫn cơ bản đáp ứng kế hoạch, song, hầu hết ban điều hành các dự án giao thông đều thấp thỏm trước bối cảnh giá nhiên, vật liệu tăng phi mã suốt thời gian qua.
Điển hình, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, theo tính toán, giá thực tế các loại vật liệu chính phục vụ thi công (thép, đá cấp phối, xi măng, nhựa đường…) tăng từ 22% đến gần 60% so với thời điểm lập dự toán, cá biệt giá xăng, dầu tăng đến hơn 100%.
“Trong khi giá và chỉ số giá địa phương công bố không đủ bù đắp chi phí thi công, năng lực tài chính của nhà thầu sẽ nhanh chóng suy giảm, tiến độ triển khai hiện trường sẽ chậm lại, sản lượng thi công ít đi, kế hoạch giải ngân vốn sẽ bị ảnh hưởng”, lãnh đạo ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45 nhận định.
Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban QLDA Thăng Long - một trong các Ban QLDA có tỷ lệ giải ngân cao thời điểm hiện tại cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, đơn vị này đã báo Bộ GTVT tháo gỡ một số điều khoản hợp đồng trong phạm vi cho phép của pháp luật về hợp đồng xây dựng.
Thông thường, trong quá trình thanh toán hạng mục gói thầu hoàn thành, 7% giá trị sẽ được giữ lại (5% tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận, 2% tiền phục vụ công tác quyết toán công trình).
Tuy nhiên, trong giai đoạn giá cả nhiên, vật liệu biến động, Ban đã báo cáo Bộ xem xét chỉ giữ lại khoản 5% tiền bảo hành công trình, không giữ khoản 2% để nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính thi công, tăng khối lượng giải ngân dự án.
“Nhằm đẩy nhanh khối lượng thanh toán, Ban QLDA Thăng Long cũng điều chỉnh một số phụ lục hợp đồng, cho phép tạm ứng thanh toán các hạng mục đã thực hiện tại hiện trường trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, tính đến nay, cơ bản các chủ đầu tư/Ban QLDA đã xây dựng, trình Bộ GTVT kế hoạch giải ngân chi tiết của từng dự án.
Hiện, Vụ KH-ĐT đang phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông xem xét, chấp thuận kế hoạch đã đăng ký làm cơ sở theo dõi, đánh giá.