Trường Cao đẳng GTVT Đường bộ kỷ niệm 60 năm truyền thống (9/4/1962 - 9/4/2022)

Thứ ba, 12/04/2022 08:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trường Cao đẳng GTVT Đường bộ vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống (9/4/1962 - 9/4/2022), nhằm ôn lại những chặng đường đã qua và các thành tích đạt được của thầy và trò Nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng GTVT Đường bộ phát biểu.

Theo ông Phạm Quang Hữu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT Đường bộ, cách đây 60 năm, giữa lúc nhân dân cả nước đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh vì hòa bình thống nhất nước nhà, Trường lái xe Hoà Bình được thành lập theo Quyết định số 465 CB2/QĐ ngày 09/4/1962 của Bộ GTVT, có trụ sở đóng tại phố Chăm - Thị xã Hoà bình - Tỉnh Hoà Bình. Trong bối cảnh lúc đó, sự ra đời của Trường lái xe Hoà Bình không chỉ đơn thuần là nhằm đào tạo đội ngũ công nhân lái xe và công nhân cơ khí, cung hạt trưởng cho ngành giao thông, mà còn có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn trong nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Qua rất nhiều lần đổi tên, chia tách, sát nhập, nâng cấp, thay đổi địa điểm đóng quân, đến nay trường có tên là: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ, trực thuộc Tổng cục ĐBVN – Bộ Giao thông vận tải.

Khái quát quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, Phó hiệu trưởng ôn lại các cột mốc đáng nhớ: Thành lập trường lái xe Hòa Bình; Thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1962 – 1975); Thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong thời kỳ cả nước thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc (1976  - 1986); Thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong thời kỳ đổi mới đất nước ( từ 1987 tới nay).

Trong đó, năm 1986, thực hiện chủ trương tổ chức lại bộ máy của ngành, ngày 16 tháng 10 năm 1986 Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định số 272-QĐ/TCCB sáp nhập trường Lái xe số 2 vào trường Lái xe số 1, sau sáp nhập địa điểm đóng quân của trường là Cộng Hòa – Chí Linh – Hải Hưng (nay là Phường cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) với tên gọi là Trường lái xe số 1.

Từ năm 1987 đến năm 1991 là những năm đầu thực hiện đổi mới, những khó khăn của đất nước và của toàn ngành đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo của nhà trường; giai đoạn này nhà trường thực hiện 2 lần tinh giảm bộ máy và biên chế, từ 13 đơn vị phòng ban (năm 1987) xuống 8 đơn vị phòng ban (năm 1988), đến cuối năm 1991 bộ máy nhà trường còn 124 người, giảm 107 người so với năm 1989. Giai đoạn này nhà trường thực hiện đổi mới hình thức đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của người học (đào tạo hệ B ngoài chỉ tiêu kế hoạch của Bộ GTVT giao).

Tháng 7 năm 1995 sau khi chuyển giao nhiệm vụ sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Công an sang Bộ GTVT nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ sát hạch viên của ngành GTVT trên toàn quốc.

Tháng 10 năm 1999 được sự quan tâm của Bộ GTVT, Cục ĐBVN trường đã  tổ chức khởi công xây dựng công trình TTSHLX số 1 có thiết bị chấm điểm, báo lỗi tự động đầu tiên trong cả nước, trung tâm đã được khánh thành tháng 6 năm 2001 và đi vào hoạt động với công suất trên 10.000 thí sinh dự thi/năm với vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, trong gần 10 năm hoạt động đã có hàng 100 nghìn lượt thí sinh ôn luyện và sát hạch tại trung tâm, nộp ngân sách nhà nước 33 tỷ đồng. Sau hai năm cải tạo (tháng 12/2009 – 12/2011), đến nay Trung tâm SHLX số 1 đã và đang hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Để phù hợp với mô hình đào tạo mới, ngày 04/3/2004 Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quyết định số 499/2004/QĐ-BGTVT về việc đổi tên Trường Lái xe thành Trường Kỹ thuật nghiệp vụ cơ giới đường bộ.

Để xây dựng một sơ sở đào tạo nghề cơ giới đường bộ ngày càng chính qui hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhà trường đã lập Đề án “Thành lập trường Trung cấp nghề Cơ giới đường bộ trên cơ sở trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Cơ giới đường bộ” và ngày 17/11/2006 Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2487/QĐ-BGTVT, về việc thành lập Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam nay là Tổng cục ĐBVN.

Đến tháng 5/2017 Thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Trường được Bộ Giao thông vận tải đổi tên thành Trường Trung cấp Cơ giới đường bộ theo Quyết định số 1567/QĐ-BGTVT ngày 29/5/2017.

Năm 2019 Trước sự phát triển mọi mặt của Nhà trường, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, Nhà trường được nâng cấp lên thành trường Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ theo Quyết định số 1233/QĐ-LĐTBXH ngày 3/9/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để phù hợp với tình hình mới Trường tinh giản bộ máy các đơn vị trực thuộc trường từ 11 đơn vị xuống còn 9 đơn vị theo Quyết định số 47/QĐ-TCĐGTVTĐB ngày 3/2/2020.

Đến tháng 11/2020 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Quyết định số 1376/QĐ-LĐTBXH ngày 12/11/2020 về việc sáp nhập Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Bắc vào Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ.

“Trường có nhiệm vụ: Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động“ – ông Hữu nói.

Với 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ đã đào tạo được gần 100 ngàn công nhân lái xe ô tô các hạng; trên 8 ngàn thợ kỹ thuật các nghề; 450 giáo viên dạy lái xe ô tô; hàng nghìn cán bộ cung, hạt trưởng giao thông; nâng bậc thợ cho nghìn công nhân; trong đó phải kể đến có hàng trăm công nhân kỹ thuật của 2 nước bạn Lào và Cam Pu Chia đã được đào tạo từ mái trường này góp phần nhỏ bé trong bức tranh sinh động về quan hệ Quốc tế; về liên kết đào tạo đại học tại chức được trên 200 sinh viên chuyên ngành cầu đường bộ; liên kết đào tạo chuyên tu cao đẳng sư phạm kỹ thuật được trên 100 sinh viên chuyên ngành cơ khí động lực, đã tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho 6.500 giáo viên dạy lái xe của các tỉnh thành phía Bắc; phối hợp tổ chức ôn luyện-sát hạch cho trên 100.000 thí sinh thi lấy GPLX các hạng thuộc các tỉnh trong khu vực. Có nhiều lượt học sinh tham gia và đạt giải hội thi tay nghề cấp ngành, toàn quốc.

Ghi nhận những thành tích đóng góp của tập thể cán bộ, viên chức, lao động nhà trường, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho nhà trường 2 Huân chương Lao động Hạng ba và 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Có 6 thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc ( 3 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba) hơn 50 giáo viên dạy giỏi cấp bộ, ngành và cấp tỉnh. 7 thầy đạt giải lái xe giỏi – An toàn toàn quốc, ngành GTVT.

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý; Nhiều năm đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh; Trường được công nhận trường tiên tiến xuất sắc; Chất lượng đào tạo ngày một nâng lên rõ rệt, được xã hội chấp nhận và đánh giá cao, xứng đáng là nơi đào tạo công nhân lái xe có uy tín và tin cậy của xã hội.

 “Truyền thống là điều cần, nhưng chưa đủ để một trường tồn tại và phát triển bền vững trong xu thế cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay. Thầy trò Trường Cao đẳng giao thông vận tải  đường bộ hiểu rằng, những thành quả mà nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua là niềm vinh dự, niềm tự hào to lớn,  nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.

Để hoàn thành những nhiệm vụ lớn lao và nặng nề đó, hơn lúc nào hết, chúng ta, toàn thể viên chức – lao động nhà trường tiếp tục xây dựng khối đoàn kết, phát huy dân chủ, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu; thường xuyên hoàn thiện và cập nhật các chương trình đào tạo tiên tiến, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; không ngừng hiện đại hoá cơ sở vật chất, thiết bị và bổ sung nguồn tài chính; đẩy mạnh hợp tác; tiếp tục đưa Trường Cao đẳng giao thông vận tải  đường bộ phát triển ổn định, bền vững” – ông Hữu nhấn mạnh.

xuannguyen

Nguồn: Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)