Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là hai dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kết nối liên vùng, tạo đột phá mới cho hai thành phố ở hai đầu đất nước.
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.
Với mục tiêu hoàn thành ngay trong giai đoạn 2021-2025, các dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu giảm tải áp lực cho giao thông khu vực nội đô, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trong khu vực, đồng thời còn tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày 4/5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá".
TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định làm hai đường vành đai nói trên xuất phát từ thực tiễn cấp bách là hai trung tâm kinh tế lớn suốt thời gian dài vừa qua bị kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do tắc nghẽn giao thông, thể hiện rõ nhất ở các đường tuyến đường vành đai. Vì vậy, việc quyết định đưa hai tuyến đường vào năm dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông đã thể hiện tầm nhìn của Chính phủ trong việc chuyển hướng chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển cho vùng Thủ đô và vùng TP Hồ Chí Minh - hai trung tâm tăng trưởng kinh tế bậc nhất của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội là hạt nhân của vùng Thủ đô, đồng thời là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức ý nghĩa để đồng bộ hóa hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.
Sau 14 năm hợp nhất hành chính, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn. Điều đặc biệt đối với Vành đai 4 là có lộ giới từ 90 đến 135m, bao gồm lộ giới cho toàn bộ đường sắt quốc gia. Điều này rất quan trọng cho việc đồng bộ hóa đường bộ, đường sắt. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.
Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế và vận tải liên vùng. Đối với Hà Nội, đây còn là con đường kết nối Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và một cảng hàng không quốc tế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô; đồng thời, cho phép điều hòa hệ thống cao tốc và giảm tải cho đường Vành đai 3, mở ra điều kiện để kết nối năm đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội.
Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ được đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Hiện nay, tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, khoảng 85.813 tỷ đồng, được chia thành ba nhóm dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng, bao gồm ba dự án riêng biệt của Hà Nội, Bắc Ninh là Hưng Yên. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cũng gồm ba dự án cho ba địa phương. Vốn đầu tư nhóm 1, 2 sẽ do ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa theo phương thức PPP do nhà đầu tư đảm nhận, tổng mức đầu tư 29.410 tỷ đồng.
Khó khăn lớn nhất của dự án chính là giải phóng mặt bằng, Hà Nội dự kiến phải lên phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ. Hiện, thành phố đã chuẩn bị chín khu tái định cư, quy mô khoảng 36,3ha. Các dự án thành phần kế tiếp như dự án nhóm 2 (đường song hành đô thị) sẽ triển khai từ năm 2022-2026; dự án trung tâm PPP với 65% đi trên cao, 35% đi dưới thấp để tạo ra điều kiện phát triển đô thị hai bên tuyến phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng kết nối bốn địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì chuẩn bị dự án Vành đai 3, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, dưới sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải... nghiên cứu các hình thức đầu tư và từ đó báo cáo với Chính phủ vào tháng 1/2022 chấp thuận phương thức triển khai theo hình thức đầu tư công, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan đóng góp ngân sách khoảng 50% để tham gia dự án.
Mặt khác, với vai trò "nhạc trưởng", Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cơ quan đầu mối điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, các yếu tố kỹ thuật bảo đảm tính kết nối, đồng bộ thống nhất về hệ thống tiêu chuẩn, bảo đảm tuyến đường khi triển khai xây dựng cũng như quá trình khai thác đưa vào hoạt động đạt yếu tố kỹ thuật theo đúng thiết kế phê duyệt. Theo kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ triển khai và cuối năm sau sẽ khởi công.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ triển khai các tuyến đường vành đai, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp hai thành phố nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho hai dự án trên. Đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, kiến nghị cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án; đồng thời cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Mặt khác, xin phép Quốc hội cho Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, nhất trong giai đoạn 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030.
Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, trước hết phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện. Kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua.
Về cơ chế chỉ định thầu, đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần. Các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định đến khi hoàn thành dự án, trình tự thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành...