Hiện nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Trần Đề - đã được tỉnh Sóc Trăng thông qua kỳ cuối.
Liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay tỉnh đã thông qua kỳ cuối quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước của cảng biển.
“Đơn vị tư vấn đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết cảng biển nước sâu Trần Đề để báo cáo với Bộ GTVT. Tiếp đó, Bộ sẽ xem xét quy hoạch này và trình cho Chính phủ phê duyệt”, ông Nghiệp nói.
Khu vực quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề.
Cũng theo ông Nghiệp, khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết xong, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
“Cơ bản đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước của cảng biển, tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi Chính phủ phê duyệt sẽ triển khai nhanh các bước tiếp theo”, ông Nghiệp thông tin thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đối với cảng biển nước sâu Trần Đề, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) không ảnh hưởng nhiều. Còn khu gần đất liền chủ yếu là bãi bồi do Nhà nước quản lý, nên công tác GPMB rất thuận lợi.
Kết nối giao thông đường bộ khu vực ĐBSCL đến cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề, liên vùng).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) được đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến, cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển (ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu) quy mô 4.550ha.
Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, trong đó, đã bổ sung quy hoạch cảng quốc tế Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn.
Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cần thiết để mời gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa đối với dự án quan trọng này. Đến thời điểm này đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án cảng biển nước sâu Trần Đề.
Bến cảng Trần Đề được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ (QL60, QL1, QL91, 91C) thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng.
Cảng biển nước sâu Trần Đề là điểm đột phá của ĐBSCL
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 hồi cuối tháng 4/2022, đề cập đến hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tin rằng, với những dự án quan trọng đang và sắp triển khai, đặc biệt là hình thành cảng biển Trần Đề (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề), Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính hết sức quan tâm đến việc phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, nhất là cảng biển nước sâu Trần Đề. Đây là điểm đột phá chung của ĐBSCL.
“Cảng biển Trần Đề đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đây sẽ là cảng trung chuyển hàng hóa, mở rộng không gian phát triển các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.