Giá cước vận tải biển vẫn không thay đổi từ tháng 4/2022 đến nay bất chấp việc giá nhiên liệu liên tục tăng cao.
Không tăng cước vì sợ... ế khách
Giá nhiên liệu diễn biến theo chiều hướng ngày càng tăng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển gặp khó. Tuy nhiên thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải biển vẫn “è cổ” gồng gánh chi phí vì biến động giá nhiên liệu nhưng vẫn không điều chỉnh giá cước vận tải.
Theo khảo sát, hiện nay mức giá cước vận tải nội địa và quốc tế được các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết đa số vẫn áp dụng từ thời điểm tháng 4/2022 đến nay, chưa có thêm sự thay đổi mới.
Cước vận tải biển đang không theo kịp tốc độ tăng giá nhiên liệu
Theo các doanh nghiệp đều cho rằng vận tải biển có sự đặc thù về tính rộng lớn và mang tính quốc tế. Giá vận tải cũng do thị trường quyết định chứ không phải một nhóm doanh nghiệp có thể làm được.
Chưa kể, thị trường vận tải biển Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và đặc biệt quan trọng của Việt Nam nhưng đang có chính sách Zero Covid khắt khe, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và xuất nhập khẩu, khiến lượng hàng sang Trung Quốc bị giảm.
Do đó, các chuyên gia nhận định nếu lượng hàng vận chuyển có đà giảm mà giá cước vận tải lại tăng, càng có khả năng làm lượng hàng giảm mạnh hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới việc khai thác của các hãng tàu.
Bởi thế, dù giá nhiên liệu tăng nhưng các doanh nghiệp vận tải biển cũng chưa dám tăng cước mà chấp nhận giảm lãi hoặc bù lỗ để giữ chân khách hàng.
"Doanh nghiệp cũng muốn điều chỉnh cước để phù hợp với giá nhiên liệu, nhưng không thể làm thế mãi. Chỉ hãng tàu lớn của quốc tế vận tải biển xa may ra có thể làm được, còn vận tải nội địa khó làm điều đó bởi làm thế, khách hàng có thể chọn phương án vận tải khác", ông Nguyễn Minh Tiến - Trưởng phòng Kinh doanh BienDong Shipping trăn trở.
Loay hoay tìm cách giảm chi phí
Các doanh nghiệp tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại
Ông Nguyễn Đại Hải - Phó Giám đốc Tân Cảng Shipping dùng từ "khủng khiếp" để nói về những chỉ số kinh tế hiện nay của doanh nghiệp. Theo ông Hải, chi phí nhiên liệu hiện đã tiệm cận 64% tổng doanh thu. Con số này đang khiến vận tải nội địa "lỗ chỏng vó".
Trước đây, để hạn chế thiệt hại do giá nhiên liệu, doanh nghiệp của ông Hải áp dụng các chính sách phụ phí nhiên liệu. Tuy nhiên ở Việt Nam, giá thị trường vận tải theo cung cầu nên các hãng tàu không dám tăng phụ phí và chấp nhận lỗ để cạnh tranh.
Để hạn chế thấp nhất những rủi ro vì biến động giá nhiên liệu, Tân Cảng Shipping đã áp dụng cách cho hầu hết các tàu thuê định hạn và chỉ để 1 tàu chạy trong nước.
"Nếu tàu này cho đi thuê nước ngoài, có thể sẽ thu về doanh thu lớn hơn. Nhưng để duy trì hoạt động vận tải và thị trường nội địa, chúng tôi vẫn để tàu tiếp tục nạy nội địa", ông Hải chia sẻ và hoang mang "cứ thế này thì chết".
Theo một lãnh đạo Công ty CP Vận tải biển Hải Âu, sự tác động của giá nhiên liệu tới vận tải biển mang tính lâu dài chứ không phải tức thì. "Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp lỗ nhiều, có thể sẽ phải tăng giá cước để bù lỗ”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Trước việc cước vận tải biển không theo kịp tốc độ tăng giá nhiên liệu và trong khi chờ các cơ quan chức năng nghiên cứu những chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách thích nghi, điều chỉnh cách thức hoạt động để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể gặp phải.
CTCP Hàng hải Đông Đô chọn cách ký hợp đồng thuê tàu ngắn hạn, theo từng chuyến để dễ chủ động chỉnh giá cước khi có thể.
Trong khi đó, các công ty vận tải biển như VOSCO, Hải Âu hay BienDong Shipping lại tiết kiệm nhiên liệu bằng phương án điều chỉnh tốc độ của tàu. Thay vì để tàu chạy nhanh nhằm tiết kiệm ngày tàu, các doanh nghiệp này quyết định chọn tiết kiệm nhiên liệu vì "giá nhiên liệu còn cao hơn ngày tàu".
Đồng thời, BienDong Shipping cũng siết chặt hơn việc quản lý nhiên liệu và định mức tiêu thụ trên các tàu của thuyền viên, tăng cường giám sát ở các đầu bến, cầu cảng...