Giá nhiên liệu tăng cao, hàng không Việt vẫn phục hồi ấn tượng

Thứ hai, 01/08/2022 14:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng mạnh, thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, hàng không Việt Nam vẫn đạt được sự phục hồi ấn tượng.

Khách bay nội địa tăng trưởng vượt mọi dự báo

Tin từ Cục Hàng không VN, 7 tháng đầu năm, có 56,1 triệu khách qua các cảng hàng không, tăng 111% so với cùng kỳ 2021. Trong số này, quốc tế đạt 3,8 triệu khách, tăng 1.463% so với cùng kỳ 2021; Nội địa đạt 52,3 triệu khách, tăng 98,2% so với cùng kỳ 2021.

Khách bay nội địa tăng trưởng mạnh vượt mọi dự báo

Các hãng hàng không VN vận chuyển 27,7 triệu khách, tăng 104% so với cùng kỳ 2021, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu, tăng 1.939% so với cùng kỳ 2021. Khách nội địa đạt 26,1 triệu khách, tăng 97% so với cùng kỳ 2021.

Riêng trong tháng 7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 5% so với tháng trước và tăng 38% so với thời điểm trước dịch Covid-19 (2019).

Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong tháng 7 đạt gần 12 triệu lượt khách. Trong đó, lượng hành khách nội địa đạt 10,6 triệu lượt (tăng hơn 40%), lượng khách quốc tế đạt 1,3 triệu lượt (giảm 65%).

Người đứng đầu Cục Hàng không VN cũng khẳng định thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo.

Khá lạc quan về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết: Nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm 03 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vần chuyển gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông năm 2022.

Tuy nhiên, thị trường quốc tế, vốn mang tới 65% doanh thu của Vietnam Airlines, mới chỉ có những bước phục hồi khá khiêm tốn.

6 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch, do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể.

6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines mới nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so sánh trước đại dịch là 2019. Hãng cũng chưa thể khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga do những hạn chế từ phía nhà chức trách hoặc căng thẳng chính trị.

Việc các đường bay quốc tế vẫn chưa khôi phục như kỳ vọng cũng là điều khiến lãnh đạo Cục Hàng không VN lo ngại.

“Hiện tỷ lệ khôi phục các đường bay quốc tế mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch. Trong đó, quá trình các đường bay liên quan đến hai quốc gia Hàn Quốc và Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2022, các đường bay quốc tế sẽ được khôi phục như thời điểm trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng gặp rào cản nhất định khi thời điểm này, dịch đậu mùa khỉ xuất hiện, các quốc gia có xu thế siết chặt công tác kiểm soát dịch”, ông Thắng chia sẻ.

Giảm lỗ đáng kể

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng mạnh, thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, hàng không Việt Nam vẫn đạt được sự phục hồi ấn tượng như nói trên. Cũng từ đây, mức lỗ của hãng hàng không cũng giảm đáng kể.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết: Quý II/2022, mức lỗ của công ty Mẹ Vietnam Airlines ít hơn 44% so sánh cùng kỳ, chỉ dừng ở mức 2.243 tỷ đồng. Mức lỗ của hợp nhất ít hơn 43% so sánh cùng kỳ, chỉ ở mức 2.568 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, kết quả cũng khả quan hơn, khi mức lỗ công ty mẹ chỉ 4.685 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 39%, mức lỗ hợp nhất là 5.254 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 40%.

“Kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các khó khăn còn tồn tại khiến hàng không chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, thị trường quốc tế phục hồi chậm chạp, chưa được như kỳ vọng”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết: Năm 2022, doanh thu của Vietnam Airlines dự kiến đạt trên 45 nghìn tỷ, hơn gấp đôi 2021. Tuy nhiên, với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường, con số này dự kiến còn gia tăng hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hiền cũng bày tỏ lo ngại khi giá nhiên liệu vẫn "neo" ở mức cao. Dẫn số liệu năm 2021 khi giá nhiên liệu bình quân là 72 USD/thùng, ông Trần Thanh Hiền thông tin: 6 tháng đầu năm 2022, con số này đã là 116 USD/thùng, bình quân cả năm 2022 dự kiến lên tới 138 - 140 USD/thùng.

“Giá nhiên liệu năm nay cao gấp đôi 2021. Thực tế, nhiều hãng hàng không đã phải ngừng bay chỉ vì giá nhiên liệu. Nigeria Airways đã phải dừng bay. Qantas Airlines cũng đã giảm hàng loạt chuyến bay nội địa vì giá nhiên liệu quá cao”, ông Trần Thanh Hiền nhấn mạnh.

Từ đây, ông Hiền cho biết giá nhiên liệu hiện 162 USD/thùng. Nếu mức giá này cứ duy trì đến cuối năm thì chi phí tăng thêm sẽ lên tới 4.300 tỷ.

Dù vậy, số liệu từ Vietnam Airlines cho thấy lần đầu tiên hãng ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm hè tháng 7/2022. Đại diện hãng cũng không giấu diếm kỳ vọng mùa cao điểm hè nội địa kéo dài đến tháng 8/2022 sẽ mang lại dòng tiền lớn cho Vietnam Airlines.

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)