Cục Hàng hải VN đang lấy ý kiến Dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh
3 tiêu chí và loạt tiêu chuẩn
Theo Dự thảo đang được Cục Hàng hải VN lấy ý kiến, để được công nhận là cảng xanh, các doanh nghiệp cảng biển phải tuân thủ các quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ môi trường.
Trong đó, đáng chú ý là việc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện các chương trình quản lý, giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng, vận hành cảng biển... Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng biển còn phải đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
Để được công nhận cảng xanh, các doanh nghiệp cảng biển
phải đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
3 tiêu chí chính được đưa ra bao gồm Cam kết và sẵn sàng, Hành động và thực hiện, Hiệu lực và hiệu quả. Trong số này lại có những tiêu chí cụ thể và đưa ra các tiêu chuẩn cho các đơn vị tham chiếu.
Tiêu chí Cam kết và sẵn sàng gồm 2 tiêu chí cụ thể là Nhận thức và sự sẵn sàng về cảng xanh và Thúc đẩy cảng xanh.
Tại đây, có các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp áp dụng và tham chiếu như Xây dựng và ban hành Chiến lược hoặc kế hoạch phát triển cảng xanh; Nguồn kinh phí cho phát triển cảng xanh; Báo cáo thường niên của doanh nghiệp về thực hiện các mục tiêu cảng xanh; Có các chương trình đào tạo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về cảng xanh, hay các chương trình thúc đẩy hoặc các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh.
Đối với Hành động và thực hiện, có các tiêu chí cụ thể liên quan tới năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng CNTT, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý xanh.
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, bởi các doanh nghiệp cảng biển phải có những hành động cụ thể trong việc hướng tới mô hình cảng xanh. Ví như, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...); Sử dụng nhiên liệu LNG, Hydro, Amoniac...; Sử dụng nguồn điện trên bờ; Sử dụng phương tiện giao thông trong cảng bằng điện hoặc nhiên liệu sạch không phát thải khí nhà kính…
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; Tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện hoặc các nguồn năng lượng khác.
Trong việc ứng dụng CNTT, là những hành động như Thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử; Sử dụng Mobile Apps cho các phương tiện vận chuyển (xe đầu kéo, sà lan); Tự động hóa trong hoạt động của cảng: (Ứng dụng phần mềm cảng điện tử (Eport); Sử dụng các phần mềm lập kế hoạch điều hành, phần mềm quản lý container)…
Đồng thời, phải có các phương án giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; Gia tăng năng lượng tái tạo; Cải thiện chất lượng không khí; Kiểm soát tiếng ồn; Kiểm soát ô nhiễm chất thải lỏng và rắn...
Doanh nghiệp tự chấm điểm, đánh giá
Cảng biển tại Hải Phòng đang phát triển cảng thông minh,
hướng tới mô hình cảng xanh
Những tiêu chí trên là thang điểm mà Cục Hàng hải VN đưa ra, để trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ tự chấm diểm, đánh giá và tham chiếu.
Bên cạnh đó, để được công nhận, các cảng biển còn phải hoàn thiện biểu mẫu tự đánh giá cảng xanh, trong đó mô tả chi tiết các hoạt động đã thực hiện.
Các hoạt động này bao gồm cả tiến trình, kết quả của các hoạt động đã triển khai, các hoạt động dự kiến hoặc bất kì hoạt động nào liên quan.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải mô tả các lợi ích kinh tế - môi trường - xã hội đem lại và phải có các tài liệu để minh chứng sự cố gắng, nỗ lực của cảng trong việc đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
Đối với mỗi tiêu chuẩn tham chiếu đều có đề xuất các giai đoạn áp dụng khác nhau (như giai đoạn thiết kế - giai đoạn xây dựng - giai đoạn vận hành).
Tuy nhiên, Cục Hàng hải VN cho biết các cảng biển đầu tư mới hoặc đầu tư bổ sung, cảng biển hiện hữu có thể đề xuất thực hiện tại các giai đoạn khác nhau sao cho phù hợp với hiện trạng.
Điểm số quy định xếp loại cảng xanh cũng có 5 mức cụ thể. Trong đó, mức 1 thấp nhất cho thấy cảng hầu như không thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong việc phát triển cảng xanh. Mức độ 2 là có rất ít hoạt động phát triển cảng xanh được cảng triển khai thực hiện cho đến thời điểm hiện tại.
Mức độ 3, 4 cho thấy cảng đã triển khai một số hoạt động phát triển cảng xanh nhất định. Riêng mức độ 5, cảng đã tích hợp các hoạt động phát triển cảng xanh vào một hệ thống quản lý, có các công nghệ hoặc phương pháp quản lý mới.