Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm về hơn 23.000 đồng/lít. Giá dầu cũng có xu hướng giảm 2 tháng qua.
Cước quốc tế giảm tới 50%
Ông Nguyễn Thành Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển và thuê tàu Đà Nẵng (Vietfracht DaNang) cho biết, cước vận tải biển đang có xu hướng giảm trên cả tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế. Tuy nhiên, giá cước nội địa không giảm nhiều do chủ yếu là các tuyến ngắn.
Giá cước vận tải biển quốc tế giảm sâu hơn so với các tuyến nội địa
Ông Cường dẫn chứng vào khoảng cuối năm 2021, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ sẽ khoảng 15.000 USD - 17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD. Đối với các chặng đi Ấn Độ, lúc cao điểm lên tới 4000 USD/cont 40’ thì nay còn khoảng 3000 - 3100 USD/cont, tùy từng chặng.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry cho thấy, chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới (Drewry WIC) đã giảm 3% trong tuần này. Đây là tuần thứ 24 liên tiếp chỉ số này giảm và đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 4,2 lần so với tỷ lệ cùng thời điểm năm 2019 .
“Cước vận tải biển quốc tế đang giảm sâu khoảng gần 50%, nhất là với các tuyến đi xa sang Châu Âu, Mỹ. Với các tuyến nội địa, cước cũng giảm khoảng 10-15%”, đó là nhận định của ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept.
Cụ thể, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuyến việt Nam đi Châu Âu có mức cước khoảng 18.000 USD/container 40’ và khoảng 10.000 USD/container 20’. Nhưng hiện tại, mức cước đã giảm xuống khoảng 1 nửa. Dù vậy, theo ông Long, giá cước vận tải dù giảm, song vẫn ở mức cao so với thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh.
Theo khảo sát giá cước vận tải niêm yết mới nhất của một số doanh nghiệp vận tải biển, tuyến vận tải Hải Phòng - TP.HCM có giá dao động khoảng 9,2 - 10,5 triệu đồng/container 20’ và 12,4 triệu - 15,7 triệu đồng/container 40’ (tùy loại). Chiều TP.HCM - Hải Phòng thấp hơn, khoảng 6 - 10 triệu đồng/container 20’ và 9 - 15,4 triệu đồng/container 40’.
Một doanh nghiệp vận tải biển cho hay, thực tế chiều TP. HCM ra Hải Phòng đang giảm 15% so với thời điểm lập đỉnh. Ở chiều ngược lại, gía cước đã giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, nguyên nhân giảm ở thị trường vận tải nội địa không hẳn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu mà “do nhu cầu nội địa đang ở mức rất thấp”.
Đâu là nguyên nhân?
Cước vận tải biển không bị chi phối nhiều bởi giá nhiên liệu
Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít nay đã giảm về hơn 23.000 đồng/lít. Giá dầu cũng đang có xu hướng giảm 2 tháng qua. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, giá nhiên liệu không chi phối quá nhiều tới cước vận tải biển.
Minh chứng cho điều này, ông Long cho biết thời điểm năm 2021, giá nhiên liệu có thời điểm ở mức thấp hơn hiện tại nhưng giá cước vận tải biển vẫn tăng cao. Đồng thời cách đây khoảng hơn 1 tháng, dù nhiên liệu có giá “lập đỉnh” song cước vận tải biển vẫn có xu hướng giảm.
"Giá cước giảm hiện tại do thị trường đang có nguồn cung tăng. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở một số nơi, giúp giảm tải ách tắc tại các cảng biển nên tàu không mất thời gian chờ, không bị chậm", ông Long nói và nhấn mạnh: Nguồn cung không bị gián đoạn nên phương tiện vận tải trống nhiều hơn. Chưa kể, các hãng tàu cũng liên kết để tạo ra nhiều tuyến chung, giúp khai thác các tuyến hiệu quả hơn, khiến giá cước có xu hướng giảm.
Lãnh đạo Gemadept cũng dự đoán “giá cước thời gian tới sẽ giảm khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát”.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Vietfracht DaNang đánh giá, cước quốc tế giảm do nhu cầu tại các nước Châu Âu, Mỹ đang là mùa thấp điểm. Ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cũng khiến nhu cầu của các nước suy giảm buộc một số hãng tàu giảm cước để có nguồn hàng.
Về tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại, ông Cường cho biết khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 là giai đoạn thấp điểm về thời gian giao hàng. Lúc này, các hãng tàu dư vỏ container, dư chỗ trên tàu nên cũng giảm giá cước để cạnh tranh nguồn hàng.
“Các doanh nghiệp lớn thường có kế hoạch xuất hợp đồng theo năm, nhưng trong giai đoạn thấp điểm, việc sản xuất kinh doanh bị trùng lại, nhu cầu vận chuyển sẽ thấp hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến cước vận tải giảm thời điểm hiện tại”, ông Cường chia sẻ.