Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ logistics đã phát triển mạnh mẽ tại nước ta, gắn chặt quá trình đổi mới, thu hút đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, so với cả nước nói chung, ngành logistics ở Nghệ An, nhất là vận tải biển vẫn còn là một lĩnh vực mới và khá non trẻ.
Để tạo đà phát triển bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới, chiều 30/8, tại Thị xã Cửa Lò, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An phối hợp với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng container qua cảng Cửa Lò”.
Đại diện các sở, ngành, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp thuộc khu Kinh tế
và doanh nghiệp xuất khẩu, dịch vụ logistics tham gia hội thảo
Hội thảo nhằm kết nối dịch vụ vận tải biển, cảng biển và logictics với các doanh nghiệp, nhà đầu có tham gia hoạt động xuất khẩu trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp khai thác dịch vụ vận tải biển, dịch vụ logistics.
Ông Lê Tiến Trị – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, lãnh đạo VIMC, đại diện Hãng tàu SITC Việt Nam và Cảng Nghệ Tĩnh đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự hội thảo có đại diện Sở Công Thương, Cục Hải quan Nghệ An, các doanh nghiệp nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và dịch vụ logistics trên địa bàn.
Ông Lê Tiến Trị – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Tiến Trị – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam giới thiệu một số nét cơ bản về tình hình thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An hiện có 1.500 dự án đầu tư, trong đó trên 100 dự án FDI đang có hiệu lực, vốn đầu tư tương đương 4,2 tỷ USD. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cùng với các sở, ngành cam kết sẽ nỗ lực đồng hành, chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Đầu tư nạo vét luồng lạch phía ngoài cảng Cửa Lò
để đảm bảo độ sâu cho tàu 10-15 ngàn tấn ra vào thường xuyên
Với sự quan tâm của tỉnh, hạ tầng giao thông và cảng biển đang được đầu tư cả về quy mô và chiều sâu nên nhu cầu kết nối, tìm kiếm dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, xuất nhập khẩu trong khu kinh tế với cảng biển ngày càng cao.
Tại Hội thảo, đại diện VIMC cho biết trong 2 năm qua VIMC đã quyết tâm đưa đội tàu vận tải container chuyên dụng vào mở tuyến vận tải trực tiếp từ Việt Nam tới các cảng ngoài khu vực Đông Nam Á, không phải kết hợp với các tàu vận tải container của nước ngoài, giảm tải áp lực trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Tuyến tàu biển container quốc tế khởi hành chuyến đầu tiên tại Cửa Lò vào ngày 5/5/2022.
Tháng 5/2022 VIMC đã đưa tàu container 1000 teus vào cảng Cửa Lò vận chuyển hàng đi Ấn Độ. Lần đầu tiên đón một con tàu container thuộc tuyến vận tải quốc tế đã giúp Cảng Cửa Lò trở thành mắt xích trong tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ của VIMC, mở ra hướng phát triển và thiết lập nhiều tuyến vận tải container từ khu vực miền Trung Việt Nam trực tiếp đi đến các cảng trên thế giới.
Hiện VIMC tập trung phát triển hệ sinh thái vận tải biển – cảng biển – logistics để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Vận tải container đóng vai trò kết nối với mạng lưới hạ tầng cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Là đơn vị thành viên trực thuộc VIMC, đại diện Cảng Nghệ Tĩnh cho biết, Cảng Cửa Lò là đầu mối vận tải hàng hóa và dịch vụ logicstics quan trọng nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ. Với chiều dài bến cảng gần 1000 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 tấn đầy tải đến 30.000 tấn (DWT), cùng nhiều thiết bị xếp dỡ tiên tiến, hệ thống kho bãi hiện đại, Cảng Cửa Lò đã và đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An, đồng thời trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics của VIMC.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các ý kiến nhằm xây dựng chuỗi Logistics kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu đóng container qua Cảng Cửa Lò. Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiết giảm được chí phí, thuận tiện và nâng cao được hiệu quả kinh doanh.
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến phát biểu tham luận, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, VIMC và Cảng Nghệ Tĩnh đã trả lời một số nội dung liên quan; đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để nâng cao chất lượng dịch vụ hơn.
Sau Hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hãng tàu SITC sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh hoàn thiện kế hoạch mở tuyến Container Quốc tế tại Cảng Cửa Lò trong thời gian sớm nhất.