Chiều 28/9, ông Nguyễn Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III cho biết, đơn vị vừa có báo cáo nhanh gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về khối lượng thiệt hại và công tác triển khai đảm bảo an toàn giao thông do ảnh hưởng của bão Noru (bão số 4) gây ra trên các tuyến quốc lộ.
QL1 đoạn qua thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An bị ngập úng cục bộ do mưa lớn.
Theo đó, Cục Quản lý đường bộ III cho hay, về tắc đường do ngập nước, hiện tuyến Quốc lộ 1, một số đoạn tuyến như: từ Km988+250 – Km988+700, ngập từ 0,3 – 0,5m; Km987+150 – Km988+100, ngập từ 0,2 – 0,3m. Cục Quản lý Đường bộ III, đã chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với lực lượng chức năng đang triển khai điều tiết, hướng dẫn giao thông chỉ cho các phương tiện ô tô lưu thông qua.
Tại tuyến đường Hồ Chí Minh, cầu Đắk Trùi I - Km1487+300: Nước ngập mặt cầu từ 9h ngày 28/9, chiều cao ngập 0,5m, dài 150m; Km1466+400: Nước ngập mặt đường từ 10h ngày 28/9, chiều cao ngập 1m, dài 50m, hiện tại Cục Quản lý đường bộ III đã chỉ đạo nhà thầu phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông trực gác không cho các phương tiện qua các đoạn tuyến nay.
Trong tắc đường do sạt lở taluy âm, taluy dương, Cục Quản lý đường bộ III cho hay, trên đường Hồ Chí Minh (Nhánh Tây) tỉnh Quảng Nam, tại Km449+100 sạt lở ta luy dương (ước tính 1900m3) gây tắc đường, hiện tại đang tiến hành thông xe 1 làn, dự kiến đến 16h sẽ thông xe 1 làn còn lại. Đường Hồ Chí Minh (Nhánh Đông) tỉnh Quảng Nam, tại Km1332+900 sạt lở ta luy dương (ước tính 200m3), gây tắc đường từ 8h00 ngày 28/9/2022 đến 8h30 ngày 28/9/2022, đã thông xe 01 làn; Km1337+800 sạt lở ta luy dương (ước tính 220m3), gây tắc đường từ 8h00 ngày 28/9/2022 đến 8h30 ngày 28/9/2022, đã thông xe 1 làn; Km1344+120 sạt lở ta luy dương (ước tính 1220m3), gây tắc đường từ 8h30, hiện tại đã thông xe 1 làn lúc 9h20.
Đường Hồ Chí Minh (Nhánh Đông) tỉnh Kon Tum, tại Km1415+800 sạt lở ta luy dương (ước tính 100m3), gây tắc đường từ 8h00, hiện tại đã thông xe 1 làn lúc 9h30. Km1422+500 sạt lở ta luy dương (ước tính 320m3), gây tắc đường từ 9h00, hiện tại đã thông xe 1 làn lúc 10h. Km1442+100 sạt lở ta luy dương (ước tính 240m3), gây tắc đường từ 8h30, đến 9h00 ngày 28/9/2022, đã thông xe 1 làn.
Đối với đường Trường Sơn Đông, tỉnh Quảng Nam, tại Km37+270 sạt lở ta luy dương (ước tính 200m3), gây tắc đường hoàn toàn từ 8h00 ngày 28/9/2022 đến 9h45 ngày 28/9/2022 đã thông xe 1 làn.
Về khối lượng sơ bộ thiệt hại, Cục Quản lý đường bộ III cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tuyến Quốc lộ 1: Mặt đường ổ gà, nứt gãy sâu 5-7 cm , diện tích khoảng 110 m2; hư hỏng biển báo 4 bộ; cây đổ: 20 cây.
Cũng trên Quốc lộ 1, tại địa bàn tỉnh Phú Yên, mặt đường ổ gà, nứt gãy sâu 5-7cm với diện tích 3.500 m2; mặt đường ổ gà, nứt gãy sâu 12 - 13cm với diện tích 6.500 m2; mặt đường Sình lún với diện tích 7.300 m2; đất, đá sụt trượt lấp lề, mặt đường với diện tích 350 m3; đất tràn lấp rãnh dọc, cống ngang khoảng 300 m3.
Ngoài ra, tại tuyến Quốc lộ 1D, tổng diện tích mặt đường ổ gà, nứt gãy, mặt đường sình lún… với diện tích gần 1.000 m2.
Tuyến đường Trường Sơn Đông, mặt đường ổ gà, nứt gãy sâu mặt đường sình lún… vào khoảng hơn 500 m2.
Tại địa bàn tỉnh Khánh Hoà, mặt đường ổ gà, nứt gãy sâu khoảng 600 m2; Quốc lộ 27C, mặt đường ổ gà, nứt gãy sâu với diện tích khoảng 260 m2.
Trong khi đó, về khối lượng sạt lở ta luy âm, ta luy dương, Cục Quản lý đường bộ III cho hay có 8 vị trí sạt trượt với khối lượng 4.400 m3.
Về công tác chỉ đạo khắc phục và đảm bảo an toàn giao thông, lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III cho biết, ngay sau khi xảy ra ngập nước, sạt lở và tắc đường, Cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc và nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên của các quốc lộ khẩn trương triển khai nhân lực, máy móc thiết bị, vật liệu (đá hộc, rọ đá..) thực hiện trực gác đảm bảo giao thông, lắp đặt các biển báo, rào chắn tại các vị trí ngập nước, sạt lở gây thiệt hại công trình và triển khai nhân lực, thiết bị tiến hàng hót sụt đất đá, tràn lấp mặt đường, rãnh dọc, để thông xe.